Top

Cần hơn 80,000 tỷ đồng phát triển nhà ở giai đoạn 2011 - 2020

Cập nhật 09/03/2011 08:05

Ảnh minh họa
Dự kiến sẽ cần khoảng 14,420 tỷ đồng vốn ngân sách và xấp xỉ 70,000 tỷ đồng huy động từ các nguồn lực khác để đầu tư.

Đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở và đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Xây dựng vừa đề ra mục tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc sẽ đạt mức 21.5m2/sàn/người đến năm 2015 và 25m2/sàn/người đến năm 2020.

Đây là nội dung chính trong dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được tổ chức góp ý kiến, ngày 8/3, tại Hà Nội do Bộ Xây dựng và Tổ chức định cư Liên hợp quốc (UN-Habitat) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Dự kiến sẽ cần khoảng 14,420 tỷ đồng vốn ngân sách và xấp xỉ 70,000 tỷ đồng huy động từ các nguồn lực khác để đầu tư cho chương trình phát triển nhà ở trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020.

Khai mạc hội nghị, ông Lê Cao Tuấn, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản khẳng định: xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở là điều hết sức cần thiết, tại thời điểm này.

Đây thực sự là giải pháp quan trọng và căn bản đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững và hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của bản thân, gia đình và điều kiện kinh tế của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat tại Việt Nam cho rằng: cần có sự tham vấn ý kiến của nhiều bộ, ngành và chính quyền các địa phương, cũng như các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á… để cùng xây dựng ý tưởng và hoàn thiện chiến lược phát triển nhà ở.

Để thực hiện, cần đạt tới một cam kết chính trị giữa các bên tham gia, đồng thời đánh giá lại những việc đã thực hiện để thấy rằng không nên vạch ra 10 mục tiêu để rồi chỉ thực hiện được 1.

Việt Nam vẫn còn rất thiếu những báo cáo chuyên đề như hồ sơ về nhà ở, quy hoạch đất đai, hạ tầng, tổ chức thị trường bất động sản hay các ngành công nghiệp xây dựng… Đây là những hạn chế lớn cần sớm khắc phục trong nay mai.

Câu chuyện về tài chính nhà ở cũng là đề tài được luận bàn sôi nổi tại hội thảo. Nhiều đại biểu vẫn có những ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên hình thành quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở… và yêu cầu cần có thêm thời gian nghiên cứu về mô hình hoạt động, phương thức quản lý, cũng như cụ thể hóa các chi tiết về tỷ lệ đóng góp, phân bổ khi cho vay hay lãi suất…

Sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong việc cùng thực hiện chiến lược nhà ở cũng là băn khoăn lớn của nhiều doanh nghiệp có mặt tại hội thảo.

Những vướng mắc, bức xúc trong đầu tư các dự án đều liên quan tới các vấn đề quy hoạch, tài chính… và luôn là nút thắt, hạn chế việc phát triển nhà ở nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở cũng đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện cơ chế chính sách, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật về thuế có liên quan tới nhà ở cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung liên quan tới quy hoạch phát triển nhà ở tại đô thị và nông thôn.

Các quy định về thu hồi đất và thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như việc hình thành các định chế tài chính tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng đáp ứng yêu cầu cho phát triển nhà ở.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu: cần nâng cao tính minh bạch cho thị trường nhà ở, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, tạo cầu ảo đang là nguyên nhân đẩy giá nhà ở tăng cao và khiến thị trường bất động sản trở nên thiếu ổn định.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+