Top

Căn hộ cao cấp tại TP. HCM, thách thức với “người đến sau“

Cập nhật 20/10/2015 15:12

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, từ nay đến năm 2016, thị trường bất động sản TP. HCM sẽ có khoảng 50.000 - 60.000 căn hộ được chào bán ra thị trường, trong số đó có đến 70% là căn hộ cao cấp.

Sẽ có khoảng 50.000 - 60.00 căn hộ được tung ra thị trường bất động sản TP. HCM trong thời gian tới - Ảnh: Lê Toàn

Sức cầu của phân khúc này vẫn đang khá ổn, nhưng những "người đến sau" không tạo được dấu ấn thì khó có thể cạnh tranh được với các đại gia.

Tính đến thời điểm này, thị trường bất động sản TP. HCM đang có khoảng 30.000 căn hộ cao cấp đến từ nhiều dự án, như Vinhome Central Park (10.000 căn), Masteri Thảo Điền (3.000 căn), Sarimi (6.500 căn), The Gold View (1.905 căn), Him Lam Phú Đông (400 căn), giai đoạn 2 Dự án Đảo Kim Cương (1.000 căn), The Sun Avenue (2.000 căn)… Trong số này, chỉ tính từ tháng 9/2015 đến nay, đã có khoảng 5.000 căn hộ được tung ra thị trường và từ đây đến cuối năm có khoảng 2.000 căn hộ nữa tiếp tục được chào bán.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Việt Nam, hiện nay nguồn cung căn hộ cao cấp vẫn chiếm lượng lớn, nhưng quý III/2015, giao dịch ở phân khúc này không còn mạnh như các quý trước đó.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savill Việt Nam đánh giá, nguồn cung nhà ở nhiều phân khúc đang khá dồi dào, nhưng lượng giao dịch được ghi nhận vẫn tăng tốt. Trong khi đó, phân khúc cao cấp giao dịch bình ổn hơn trong quý III.

Nếu xét về thời điểm, thì hiện nay bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn hơn so với các kênh đầu tư khác. Thế nhưng, thanh khoản của phân khúc căn hộ cao cấp không phải dự án nào cũng hút hàng, bởi sự kỹ tính của những người dư dả về điều kiện tài chính luôn cao hơn hẳn những người chỉ mong muốn có một chỗ chui ra chui vào.

Về những yếu tố hỗ trợ sức cầu căn hộ cao cấp, theo số liệu thống kê, hiện trên cả nước, người nước ngoài sở hữu căn hộ chỉ ở mức 500 căn. TP. HCM được xem là có lượng sở hữu cao nhất, nhưng con số này cũng chỉ chiếm khoảng 0,02% lượng hàng được giao dịch trên thị trường. Điều này cho thấy, người nước ngoài mua nhà cũng chỉ giống như “hạt muối bỏ bể”, khó có thể tác động nhiều đến thị trường. Còn Hiệp định TPP chỉ mới kết thúc phiên đàm phán, mãi tới năm 2018 mới thực thi và đến khi đó còn phải vượt qua nhiều trở ngại.

Nhiều chuyên gia bất động sản có chung quan điểm rằng, thị trường bất động sản TP. HCM đang được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ cao cấp, nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng đủ tiềm lực để chạy đua tạo dấu ấn trong phân khúc này.

“Ra hàng đúng thời điểm cùng với chiến lược PR hiệu quả, nhiều dự án cao cấp đã hút mạnh tiền từ thị trường. Tuy nhiên, những đơn vị ra hàng sau sẽ gặp thách thức thanh khoản trong thời gian tới”, một chủ đầu tư sừng sỏ trong lĩnh vực bất động sản cho biết và phân tích thêm, nhiều chủ đầu tư vẫn phải "nương tựa" chủ yếu vào ngân hàng và số tiền thu được từ khách hàng, nên việc triển khai dự án đúng tiến độ cũng khá mong manh, ngoại trừ các dự án của Vingroup và một số đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư bài bản.

Chỉ tính riêng trong quý III/2015, tại TP. HCM, trung bình mỗi tuần có thêm 1 dự án mới trình làng càng làm dấy lên quan ngại thị trường bội cung.

Chị Hoa, khách hàng đang tìm hiểu mua căn hộ tại một dự án trên đường Phổ Quang, quận Tân Bình cho biết: “Rất thích vị trí của dự án này vì gần công viên, trường học, chợ, bệnh viện..., nhưng ngại nhất khi dự án đưa vào sử dụng sẽ gây kẹt xe. Ba lần đến dự án vào 3 thời điểm khác nhau, nhưng lúc nào cũng kẹt xe. Vì thế, phải đợi đến lúc dự án đưa vào sử dụng xem giao thông thế nào. Cùng lắm mua đắt thêm tý chút cho an toàn”.

Dù là dự án cao cấp, sản phẩm có giá trị lớn, nhưng “tâm lý đám đông” của khách hàng khi đầu tư vào phân khúc này cũng khá phổ biến. Trong khi đó, các chủ đầu tư vẫn không ngại bung hàng với tâm lý “có gan làm giàu thì phải liều”, như lời một chủ đầu tư cho biết khi trao đổi với Đầu tư Bất động sản.     


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản