Ngày 9-3, Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM tổ chức diễn đàn "Phát huy vai trò doanh nghiệp (DN) BĐS triển khai thực hiện đề án phát triển thị trường BĐS TP HCM".
Ông Phan Trường Sơn, Trưởng Phòng Phát triển nhà Sở Xây dựng TP HCM, nhìn nhận thị trường BĐS TP thời gian qua tăng trưởng nhanh và có dấu hiệu mất cân đối. Thị trường này phụ thuộc nhiều vào tín dụng nhưng lại bị hạn chế vốn trung dài hạn, dễ dẫn tới rủi ro cho ngân hàng và xảy ra "bong bóng" BĐS. Nguồn thu từ BĐS tại TP ngày càng thấp, chỉ 3%-6% tổng nguồn thu ngân sách. Thị trường nhà ở dự án chủ yếu ở ngoại thành, số lượng lớn nhưng phân bố không đồng đều, tác động không ít tới sự phát triển bền vững và cân bằng sinh thái, môi trường đô thị.
Ông Phan Trường Sơn cũng thừa nhận nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực nhưng vẫn giành cho được dự án, chủ yếu lo xong khâu pháp lý rồi bán lại kiếm lãi. Điều này vẫn đến tồn kho, dự án đắp chiếu khi thị trường vào giai đoạn thoái trào...
Đến từ ĐH Harvard (Mỹ), GS-TS Richard Peiser nhận định vấn đề quan trọng là TP chưa có trung tâm lưu trữ thông tin về sở hữu đất đai. Trung tâm này phải có để DN tham khảo. Đồng thời, phải có quỹ bảo hiểm quyền sở hữu đất. Ở Mỹ, bảo hiểm sẽ bồi thường khi có tranh chấp và xảy ra thiệt hại, giúp giao dịch mua bán BĐS diễn ra thuận lợi. Thị trường BĐS muốn phát triển thì phải cho vay thế chấp lâu dài cho người mua nhà, thời hạn 30-40 năm và được vay 70%-80% giá trị BĐS. Song song đó, phải có thị trường BĐS thứ cấp phát triển. Một điều quan trọng nữa là thị trường cho vay trong xây dựng đối với nhà thầu, thị trường cho vay thứ cấp thế chấp cũng phải hoạt động tốt. Cho phép chủ nợ ban đầu bán khoản nợ cầm cố để tái cấp vốn cho khoản vay mới.
Tham gia diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm nhà diện tích nhỏ, giá vừa túi tiền và thiết kế xanh vẫn là nhu cầu lớn và sẽ góp phần phát triển thị trường BĐS.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng UBND TP HCM nên đề nghị Chính phủ rút ngắn quy trình thủ tục trong BĐS, đầu mối quy về một cửa trực tuyến để các sở ban ngành biết rõ. Còn thuế sử dụng đất thì nên áp dụng mức ổn định 10%-15% giá đất. Quan trọng là nhà nước đừng vì vài hộ dân chây ì, không chịu giải tỏa mà đình trệ cả dự án.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: