Top

Nhà sử học Lê Văn Lan: Ga ngầm cạnh hồ Gươm là nhạy cảm

Cập nhật 10/03/2018 08:39

Nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia và người dân ngay trong ngày đầu tiên trưng bày quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9- Ga hồ Gươm.

Sáng 9/3, BQL đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) trưng bày giới thiệu và lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - Ga hồ Gươm, thuộc dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.


Các chuyên gia và người dân tham gia bàn luận, đóng góp ý kiến rôm rả.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: "Công trình ga C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm, là nơi linh thiêng lắng hồn núi sông ngàn năm nên nhận được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều người cũng là hợp lý".

Những người có trách nhiệm với Thủ đô, với đất nước đã tính toán một cách kỹ lưỡng, tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp hợp lý. Sau khi được chủ đầu tư tham vấn, bản thân ông cũng đã có những ý kiến phản biện, thậm chí là rất gay gắt.

"Rất mừng là ý kiến đã được ghi nhận để chỉnh sửa nên cá nhân tôi thấy rất yên tâm. Giờ là lúc các cơ quan chức năng phải tập trung tuyên truyền giải thích nhằm tạo được sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân", nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ.


Phối cảnh kiến trúc lối lên xuống số 4, khu vực phía sau tượng đài Cảm tử và đền Bà Kiệu. Ảnh: MRB

Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), việc đặt ga ngầm ở hồ Gươm đã được thảo luận nhiều lần và dư luận chưa hết băn khoăn. Ông cho biết, đã nhiều lần giới kiến trúc sư có ý kiến đưa vị trí ga lùi xa hồ Gươm, có ý kiến đề nghị dịch chuyển ga về phía sông Hồng để tạo ra những giá trị đô thị mới và bảo tồn nguyên vẹn không gian Hồ Gươm.

Ông Ánh cho rằng, Hà Nội đã thành công trong việc tổ chức không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, làm nên sự hài hoà trong bức tranh đô thị. Nhưng nếu xây ga C9 cạnh Hồ Gươm, sẽ làm tăng lưu lượng người và phương tiện, như vậy là mâu thuẫn với mục đích của việc tổ chức không gian đi bộ là tạo một không gian tĩnh ở trung tâm Thủ đô.

Phối cảnh kiến trúc cửa lên xuống số 1. Ảnh: MRB

Bàn tới vị trí của ga ngầm C9, ông Tạ Khắc Hải, tổ trưởng tổ dân phố 21 phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) cho biết, ông đã được dự họp với các đơn vị liên quan từ năm 2009.

“Qua dự thảo quy hoạch mới được trưng bày lần này, tôi thấy việc xếp đặt vị trí nhà ga cũng như các giải pháp kỹ thuật thi công được nêu ra ở đây rất hợp lý. Người dân mong muốn khi dự án đã được đưa ra tham khảo lấy ý kiến nhân dân thì sớm chốt phương án để đẩy nhanh tiến độ triển khai”, ông Hải nói.

Lý giải phương án chọn vị trí đặt ga ngầm, Phó trưởng BQL đường sắt Hà Nội Lê Trung Hiếu cho hay, qua rất nhiều phương án cân nhắc và tính toán, tư vấn đã lựa chọn vị trí như hiện nay là tối ưu, phù hợp với quy hoạch chung của đường sắt đô thị Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt.


Người dân cho ý kiến về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - Ga hồ Gươm

Đồng thời, trong quá trình thi công, việc đào ngầm sẽ được thực hiện bằng máy đào hầm TBM, không gây ảnh hưởng đến di tích hồ Gươm cũng như các công trình xung quanh. Sau khi hoàn thiện, mặt bằng sẽ được hoàn trả như hiện tại.

Quy hoạch tổng thể ga tàu điện ngầm C9 cạnh hồ Gươm được trưng bày và lấy ý kiến người dân tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm đến hết ngày 31/3.


Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Ảnh: MRB

Ga ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng

10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.



DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet