Để người dân được sở hữu về đất đai cũng là vì sự phát triển của đất nước. Khi đó, người dân yên tâm đầu tư công sức, tiền của vào mảnh đất của họ.
Trong lúc vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) vẫn còn nóng hổi, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải sửa Luật Đất đai 2003 một cách triệt để, đi vào gốc rễ của vấn đề, nhất là chế độ sở hữu đất đai thì mới phát huy được nguồn lực quan trọng này, tránh được những xung đột đau lòng tương tự. Trước đó, trong đợt tổng kết việc thực hiện Hiến pháp 1992, TP Đà Nẵng cũng đã đề xuất cần công nhận sở hữu tư nhân về đất đai.
TP Đà Nẵng là một trong những địa phương mạnh dạn đề xuất công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chế độ sở hữu đối với đất đai là một vấn đề đặc biệt quan trọng, còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy vậy, trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan (ảnh) nhấn mạnh:
+ Đề xuất của TP Đà Nẵng là rất đáng hoan nghênh. Đà Nẵng đã góp một tiếng nói để thúc đẩy việc sửa Hiến pháp, Luật Đất đai theo hướng tháo gỡ vướng mắc, phục vụ phát triển.
Trả cho dân những gì chính đáng
*
Thưa bà, việc TP Đà Nẵng đề xuất cần công nhận sở hữu tư nhân về đất đai nói lên điều gì?
+ Điều này thể hiện Đà Nẵng hiểu được rằng những cái gì là của người dân thì nên trả lại cho người dân. Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ những gì đáng lẽ thuộc về người dân…
Thực tế cho thấy Đà Nẵng được quy hoạch tốt, thể hiện tầm nhìn cho một thời gian xa chứ không phải chỉ là trước mắt. Và đại bộ phận người dân được hưởng lợi từ quy hoạch này chứ không phải chỉ một số người. Mặt khác, Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh trong mấy năm gần đây. Đà Nẵng đi đầu trong nhiều mặt. Như vậy, tiếng nói của Đà Nẵng trong việc đề xuất cho sở hữu tư nhân về đất đai sẽ có trọng lượng hơn.
Hơn nữa, theo tôi, để người dân được sở hữu về đất đai cũng là vì sự phát triển của đất nước. Nhìn lại từ trước đến giờ, những gì giải phóng sức dân được thì đều mang lại kết quả tốt cho cuộc sống của người dân và cho nền kinh tế. Nếu chúng ta chậm cải cách thì không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đó là điều mà ai cũng nhìn thấy.
*
Có nghĩa là cần ủng hộ đề xuất như vậy, thưa bà?
+ Đúng. Tôi mong các địa phương khác cũng có cách nhìn và đề xuất như Đà Nẵng. Các nơi nên ủng hộ bằng tiếng nói thực sự của mình. Nên có đề xuất, lập luận từ thực tiễn ở địa phương mình để chứng minh đó là điều đúng đắn, cần phải làm. Chúng ta đang tổng kết việc thực hiện Hiến pháp và Luật Đất đai và đây là dịp để các địa phương, các tổ chức, người dân đưa ra ý kiến đóng góp của mình.
Tôi tin là nếu có đề xuất của nhiều địa phương, nơi được phân cấp nhiều về quản lý đất đai và có đề xuất của nhiều cơ quan, tổ chức thì càng thuận lợi cho việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai theo hướng cho sở hữu tư nhân về đất đai.
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, cho người dân được sở hữu về đất đai cũng là vì sự phát triển của đất nước. Ảnh: HTD |
Thay đổi nhận thức
*
Cho sở hữu tư nhân về đất đai là vấn đề có rất nhiều ý kiến khác nhau. Hơn nữa, nhiều cán bộ nhà nước vẫn còn thấy nặng nề với hình thức sở hữu này?
+ Tôi cho rằng quan trọng nhất là tư duy của cán bộ ở cấp cao. Những người trong bộ máy chính quyền địa phương chỉ là người thừa hành, không phải là người có quyền quyết định chính sách. Vì thế, cấp trên phải thay đổi tư duy trước.
Đất nước sau 25 năm đổi mới đã phát triển thêm lên một bước, dân trí cũng đã được nâng lên rất nhiều. Do đó, quan trí, cán bộ, công chức nhà nước phải vươn lên về nhận thức và trình độ chứ đừng để bị lạc hậu so với người dân.
*
Nhiều ý kiến cho rằng cho sở hữu tư nhân về đất đai thì một bộ phận cán bộ nhà nước sẽ bị mất quyền lợi nên họ không ủng hộ việc này?
+ Nếu có thì đó chỉ là những lợi ích không chính đáng. Cán bộ thông qua quyền lực nhà nước trao cho để được hưởng lợi từ đất đai là điều rất không hay, không nên.
Hiện nay Hiến pháp và Luật Đất đai quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Trên thực tế, Nhà nước có quyền định đoạt tất cả và trong không ít trường hợp đã xảy ra xung đột về lợi ích, làm cho người dân bức xúc, phản ứng... Có đến 80% khiếu kiện trên cả nước là về đất đai. Điều này là do khiếm khuyết trong quản lý của Nhà nước. Trong kinh tế thị trường, người ta đều thừa nhận tư nhân quản lý và sử dụng tốt hơn các nguồn lực.
*
Xin cảm ơn bà.
Sở hữu tư nhân với nhiều loại đất
Chế độ công hữu về đất đai chỉ có ở các nước XHCN cũ. Hiện cũng chỉ còn ở một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và CHDCND Triều Tiên. Chế độ công hữu về đất đai có thể xác lập dưới dạng sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể hay sở hữu toàn dân.
Theo tôi, sửa Hiến pháp và Luật Đất đai lần này nên mạnh dạn trao quyền sở hữu tư nhân về đất đai đối với tất cả các loại đất mà hộ gia đình, cá nhân được sử dụng gồm: đất ở, đất chuyên dùng, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất rừng sản xuất.
GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: