Tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1, Bến Thành - Suối Tiên khi hoàn thành sẽ đóng vai trò xương sống trong hệ thống giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện các dự án thành phần, chính quyền thành phố đang gặp không ít khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc, thành phố mong muốn sẽ có cơ chế đặc thù để thu hút vốn đầu tư hiệu quả, bảo đảm tiến độ đề ra.
Trục “xương sống”dần thành hình
Ghi nhận tại đoạn Ga Tân Cảng (song song với cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh), khu vực Ga Thảo Điền (quận 2), Ga Suối Tiên (quận 9) cùng tuyến đường chạy từ Ga Tân Cảng đến Depot Long Bình (quận 9)… cho thấy, các đơn vị đang khẩn trương thi công và dần hoàn thiện phần thô các tầng nhà ga và đường trên cao.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đoạn qua sông Sài Gòn.
|
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (Ban Quản lý), dự án xây dựng tuyến Metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên (có tổng chiều dài 19,7km, với 14 ga và depot Long Bình), gồm 5 gói thầu chính: CP1a (đoạn ngầm: Ga Bến Thành đến Ga Nhà hát thành phố), dài 515m đang thi công tường vây và một số hạng mục phụ trợ; CP1b (đoạn ngầm: Ga Nhà hát thành phố đến Ga Ba Son), dài 1.745m, đã đạt hơn 40% khối lượng; CP2 (đoạn cao: Ga Ba Son đến Depot Long Bình) dài 17,1km, đạt hơn 65% khối lượng; CP3 (đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng), đạt hơn 12% khối lượng; CP4 (hệ thống công nghệ thông tin), dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật trong năm nay.
Tại hạng mục chính là nhà ga ngầm Nhà hát thành phố (gói thầu CP1b) với 4 tầng hầm, đạt hơn 60% tiến độ, trong đó, hoàn thành sàn B1, B2; đang tiến hành thi công sàn B3 và bắt đầu đào đất sàn B4. Đoạn đào hầm ngầm từ Ga Ba Son về Ga Nhà hát thành phố dài 781m, sẽ được thi công bằng máy khoan đào TBM (Nhật Bản). Dự kiến, mũi khoan TBM đầu tiên được thực hiện vào giữa tháng 5-2017. Theo kế hoạch, toàn tuyến sẽ vận hành thử nghiệm 6 tháng trước khi hoạt động chính thức cuối năm 2020.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý, trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Công tác kiểm tra an toàn được Ban Quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thường xuyên, nhằm hạn chế mức thấp nhất các rủi ro ngoài công trường. Tuy nhiên, với một công trình có quy mô lớn và chưa có tiền lệ tại Việt Nam, cũng không tránh những sai sót. Cụ thể, từ khi triển khai dự án năm 2007 đến đầu năm 2017, đạt gần 16 triệu giờ lao động và xảy ra 29 vụ tai nạn nhưng không nghiêm trọng.
Kiến nghị bảo đảm kế hoạch vốn ODA
Hiện nay, tuyến Metro số 1 đang dần được hình thành nhưng việc thực hiện các dự án tiếp theo gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo Ban Quản lý, sự thay đổi phạm vi điều chỉnh của các quy định liên quan dẫn đến chậm trễ trong triển khai dự án. Đơn cử, dự án tuyến Metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) có sự cam kết tài trợ và trình UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt cuối năm 2014.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án này thuộc nhóm quan trọng quốc gia (vốn đầu tư công trên 10.000 tỷ đồng), nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương. Bên cạnh đó, các dự án cũng gặp vướng mắc khác như: Chậm trễ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; độ trễ trong chính sách khi áp dụng (luật, nghị định, thông tư hướng dẫn…). Mặt khác, trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc huy động nguồn vốn ODA, cân đối vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng rất khó khăn.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang cho hay, tuyến Metro số 1 khi đi vào hoạt động, sẽ là "mạch máu" giao thông và đóng vai trò xương sống trong hệ thống giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị thành phố, mang lại hiệu quả lớn cho phát triển giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Để các dự án thi công theo đúng kế hoạch đề ra, thời gian tới, Ban Quản lý kiến nghị cần hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng để hài hòa thủ tục của các nhà tài trợ, không xảy ra xung đột và tốn nhiều thời gian giải quyết. TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ cùng bộ, ngành liên quan bảo đảm kế hoạch vốn ODA cho các dự án trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, đề nghị phân cấp cho Ban Quản lý chức năng quản lý nhà nước về đầu tư. Cụ thể, Ban Quản lý tiếp nhận đầu tư các hạng mục, dự án liên quan; thẩm định, đề xuất dự án của các nhà đầu tư và tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, phê duyệt; ban hành cơ chế ủy quyền riêng cho UBND thành phố trong việc tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án để đạt hiệu quả cao.
Hiện tuyến Metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), với nguồn vốn từ các nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đang được rà soát, điều chỉnh và tổ chức đấu thầu năm 2017. Tuyến Metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đã thu xếp được nguồn vốn từ các nhà tài trợ gồm ADB, KfW, EIB, Chính phủ Tây Ban Nha và sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư năm 2017.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: