Top

Cấm kinh doanh trong chung cư: Đa số ủng hộ nhưng còn vướng luật

Cập nhật 26/05/2011 10:10

Quan điểm thể hiện trong các văn bản của ngành xây dựng lâu nay là chung cư để ở, không được sử dụng sai mục đích.

“Quy định trong ngành xây dựng và lĩnh vực đăng ký kinh doanh hiện nay chưa liên thông nhau” - đại diện Sở Tư pháp TP.HCM nhận xét.

Có luật mới từ chối được

Vị này cho hay quan điểm thể hiện trong các văn bản của ngành xây dựng lâu nay là chung cư để ở, không được sử dụng sai mục đích. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp không yêu cầu địa điểm kinh doanh phải phù hợp mục đích sử dụng trong giấy phép xây dựng. Do đó, cơ quan đăng ký kinh doanh không từ chối khi gặp trường hợp chủ căn hộ hay người sử dụng đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư. Chưa kể, các văn bản của Bộ Xây dựng nói là không cho phép nhưng không cấm rõ ràng, tính pháp lý của các văn bản chưa cao. Chẳng hạn khoản 6 Điều 23 Quyết định 08 năm 2008 của Bộ Xây dựng có nói: “Nghiêm cấm sử dụng hoặc cho người khác sử dụng phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng trái với mục đích quy định” nhưng không rõ mục đích này là gì, quy định ở đâu.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cũng cho rằng từ trước tới nay do chưa có văn bản có tính pháp lý quy định cấm chung cư không được trở thành văn phòng nên Sở không thể từ chối khi cấp phép đăng ký kinh doanh, “nếu không sẽ bị kiện ngay”.

Vị này cho rằng khi nào có một văn bản quy phạm pháp luật với nội dung rõ ràng như thông tư của Bộ Xây dựng được ban hành thì Sở mới có cơ sở từ chối. Sở này cho biết đã có văn bản báo cáo TP về vấn đề này. Không chỉ giữa các ngành mà ngay trong một ngành, việc thực hiện cũng có mâu thuẫn. Luật Doanh nghiệp không yêu cầu kiểm tra địa điểm đăng ký kinh doanh nên chung cư được vô tư mở văn phòng đại diện, trong khi đó, nếu mở văn phòng đại diện của nước ngoài thì phải thực hiện theo Luật Đầu tư là phải thẩm tra. Hiện nay, hai căn hộ chung cư tại chung cư The Manor đang xin mở văn phòng đại diện của nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải gửi văn bản hỏi ý kiến của Sở Xây dựng về mục đích sử dụng của các căn hộ này.

Kinh doanh dưới tầng trệt của chung cư tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HTD

Lo ngại về hạ tầng, quy hoạch

Ông Tống Đức Tiến, Phó phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng) băn khoăn trước đề xuất “toàn bộ các hộ trong cùng tầng và 2/3 số hộ trong block đồng ý thì được mở văn phòng tại căn hộ chung cư” như dự thảo thông tư của Bộ Xây dựng nêu. “Giả sử tất cả các hộ cùng thống nhất nhau chuyển thành văn phòng thì sao? Có giải quyết hay không khi cả chung cư thay đổi công năng? Trong khi đó, tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế cao ốc văn phòng hoàn toàn khác biệt chung cư để ở” - ông Tiến đặt vấn đề.

2.200 căn hộ chung cư đang được sử dụng làm văn phòng.
Một cán bộ Phòng Thẩm định dự án của sở này cho rằng không nên mở cửa cho căn hộ chung cư sử dụng sai mục đích. “Chỉ cần một block chung cư có 20% số căn hộ thay đổi thành văn phòng kinh doanh thì xe sẽ đậu tràn ra ngoài đường” - ông nhận xét. Ông nêu dẫn chứng: Với 150 m2 sàn để ở, quy định về thiết kế chỗ đậu xe chỉ có 12 m2, trong khi đó cũng diện tích này nếu xin xây văn phòng thì trong thiết kế bắt buộc diện tích đậu xe phải gấp đôi. Tương tự, với 150 m2 sàn để ở theo tính toán là dành cho sáu người, trong khi đó nếu theo dự thảo của Bộ Xây dựng, khi trở thành văn phòng với tiêu chuẩn trên 8 m2/người thì số người lên đến trên 12. “Việc gia tăng số người ở, chỗ để xe một cách quá lớn so với dự tính trong thiết kế sẽ khiến chung cư không đảm bảo chất lượng” - ông nhận xét.

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng khi thiết kế chung cư, tầng nào chỉ để ở, tầng nào được làm thương mại, văn phòng… đã được tính toán và có các chỉ tiêu, tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau. Do vậy, khi đưa vào sử dụng, việc tuân thủ đúng mục đích, công năng đã được quy định là điều cần thiết. “Nếu căn hộ để ở thành văn phòng, rồi văn phòng thành trường học thì dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch” - ông bày tỏ.

Tiếp tục nghiên cứu dự thảo

Các phòng ban liên quan của Sở Xây dựng TP.HCM đang tiếp tục nghiên cứu về dự thảo để tuần sau trình ban giám đốc xem xét. Các sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát PCCC, Quy hoạch Kiến trúc cũng cho biết sẽ sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản để góp ý dự thảo trên.

Địa chỉ xấu, khách không thèm đến giao dịch

Trước đây khi ở căn hộ chung cư Mỹ Thuận (đường An Dương Vương, quận 8) thì tôi cũng dùng căn hộ làm văn phòng công ty tư vấn xây dựng. Mình đi gặp khách hàng ở ngoài nhiều chứ không có khách đến tận nơi. Vài năm sau, công ty phát triển, khách hàng nhiều hơn. Thấy địa chỉ chung cư thì khách hàng ngại đi tìm, nhìn địa chỉ cũng không được ấn tượng trong kinh doanh nên tôi đã chuyển sang ở nhà phố để thuận tiện giao dịch.

Tầng nhà tôi còn có thêm hai công ty khác, họ chỉ để bảng hiệu, lấy địa chỉ ổn định lâu dài để nhận thư từ, còn hoạt động chính thì lại thuê mặt bằng nhà phố nơi khác.

Chị Nguyễn Sơn Nhung, đường Tên Lửa, quận Bình Tân, TP.HCM

Nên để chung cư tự giải quyết bằng nội quy

Mỗi tầng lầu chỉ có bảy căn hộ. Căn hộ sát nhà tôi là một công ty nhỏ. Khi có việc thì nhân viên chạy ra ngoài chứ cũng không thấy khách hàng lui tới, hầu như không gây ảnh hưởng gì.

tuy nhiên, tầng lầu này có bốn trẻ nhỏ, cứ mỗi tối nô giỡn ầm ĩ. Một nhà khác thì có thói quen mở nhạc thật to. Một gia đình có thói quen sập cửa rầm rầm nghe muốn đứng tim. Thang máy của tòa nhà thường xuyên bận vào buổi chiều tối vì nhiều người già cứ cho trẻ vào thang máy, bấm thang chạy lên chạy xuống thì trẻ mới chịu ăn cơm!

Theo tôi, hàng xóm cũng có người này người nọ, kinh doanh thì cũng có kiểu này kiểu nọ. Nên để từng chung cư tự giải quyết bằng nội quy nhà chung cư. Nếu hộ nào có hoạt động sống hay hoạt động kinh doanh gây phiền toái cho hàng xóm thì có thể họp lại để giải quyết.

Ông Nguyễn Mạnh Cương, lầu 10, chung cư Sacomreal, đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP