Mới đầu năm mới, nhiều “ông lớn” bất động sản đã chi hàng nghìn tỷ đồng “thâu tóm” những dự án “đắp chiếu”. Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng tuyên bố, 2018 sẽ là năm FLC tập trung vào hoạt động M&A bất động sản… báo hiệu một năm sôi động trên thị trường M&A địa ốc.
Ảnh minh họa
|
2017 là một năm sôi động cho các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam với tổng giá trị giao dịch khoảng 1,5 tỷ USD. Hàng loạt thương vụ lớn đã được ghi nhận trong năm qua và lan sang đầu năm 2018, báo hiệu làn sóng này tiếp tục sẽ còn bùng nổ trong năm nay.
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, 2018 là năm FLC tập trung vào hoạt động M&A bất động sản. Theo đó, tập đoàn này sẽ tìm mua lại những dự án lớn đang đắp chiếu, quây tôn, với điều kiện, các dự án này phải đủ thủ tục pháp lý để có thể triển khai ngay.
Theo người đứng đầu Tập đoàn FLC, từ 2013 tới nay, đơn vị này vẫn chủ trương tìm kiếm cơ hội mua vào các dự án bất động sản giá rẻ, tính khả thi cao để triển khai, và thực tế, hoạt động M&A của FLC rất thành công, góp phần tăng quỹ dự án bất động sản, đẩy vị trí của tập đoàn nay lên nhà phát triển dự án hàng đầu Việt Nam.
Theo ông Quyết, sau khi M&A các dự án, FLC đã khai thác, triển khai quỹ dự án này một cách hiệu quả. Ví dụ như năm 2014, FLC mua 3 dự án. Một là Khu đô thị Alaska Garden City tại Đại Mỗ - Nam Từ Liêm, nay là FLC Garden City. Hai là tòa Ion Complex Tower tại 36 Phạm Hùng, đã triển khai xây dựng thành FLC Complex. Dự án thứ ba là The Lavender tại 418 Quang Trung được phát triển dưới tên gọi mới FLC Star Tower. Cả ba dự án đều đã hoàn thiện và đón cư dân về sinh sống. Trị giá các sản phẩm ở ba dự án này đã tăng gần 30% so với trị giá ban đầu.
“M&A bất động sản chắc chắn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, vì hiện Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, và các doanh nghiệp này đang sở hữu quỹ “đất vàng” rất lớn. Thêm vào đó là sự trỗi dậy của nhiều đơn vị tư nhân trong ngành bất động sản và sự tham gia của khối ngoại cũng khiến thị trường M&A sôi động, nhiều màu sắc hơn”, Chủ tịch FLC nhấn mạnh.
Có thể thấy, nhận định của ông chủ Tập đoàn FLC đã được minh chứng ngay từ những ngày đầu năm. Đầu thắng 1 vừa qua, Công ty địa ốc Phú Long của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã thay Posco E&C (Hàn Quốc) trở thành cổ đông nắm giữ 50% vốn của Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Splendora.
Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất được quy hoạch và đầu tư tại phía Tây Thủ đô, với tổng diện tích hơn 264ha và số vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 do diễn biến bất lợi của thị trường bất động sản, mãi đến tháng 6/2017 dự án mới triển khai giai đoạn 2 (khu biệt thự Lakeside Splendora quy mô gần 4,7 ha có tổng vốn đầu tư khoảng 32,4 triệu USD, bao gồm 77 lô biệt thự cao cấp).
Sau thương vụ “khủng” của địa ốc Phú Long, Tập đoàn Keppel Land, cũng vừa công bố thông tin khiến giới địa ốc xôn xao. Theo thông tin vừa được công bố, tập đoàn này dự kiến chi 297 triệu USD để đầu tư vào 2 dự án vừa mua lại tại TP.HCM. Dự kiến, hai dự án này sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1.550 căn hộ trong tương lai nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu nhà ở chất lượng cao đang tăng tại TP.HCM.
Theo đó, dự án đầu tiên nằm tại khu Nam Sài Gòn, tập đoàn này dự kiến sẽ phát triển khoảng 220 biệt thự và 1.029 căn hộ cao cấp với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 36.110m2. Dự án này có diện tích rộng 13ha sẽ được Kappel Land đầu tư xây dựng thành khu dân cư dành cho người có thu nhập cao, có điều kiện tiếp cận với khu trung tâm TP.HCM một cách dễ dàng.
Dự án thứ 2 có vị trí tại quận 9 (thuộc khu Đông TP.HCM), giáp với quận 2. Keppel Land dự tính đầu tư xây dựng 300 biệt thự hạng sang tại đây. Được biết, tổng vốn đầu tư cho khu đất rộng khoảng 6ha này là hơn 62 triệu USD.
Đánh giá về thị trường M&A bất động sản trong năm 2018, ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc AVM Vietnam & Vietnam M&A Forum dự báo, nếu như năm 2017 giá trị M&A trên thị trường BĐS Việt Nam đạt khoảng 2 tỷ USD thì với nhiều yếu tố thuận lợi, nhiều khả năng con số năm 2018 sẽ tương đương mức trên hoặc có thể tăng trưởng cao hơn.
Theo ông Minh, hiện thị trường BĐS trong nước đang ở làn sóng M&A thứ hai kể từ năm 2015, và sẽ tiếp nối sang năm 2018. Thực tế trong 10 năm qua giá trị M&A năm nào cũng tăng.
Theo ông Minh, có 3 lý do để ông tin tưởng M&A bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Một là, công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ. Hai là, sự trỗi dậy của nhiều đơn vị tư nhân trong ngành, theo thống kê có rất nhiều doanh nghiệp trong nước thực hiện M&A khá thành công trên thị trường. Ba là, sự quan tâm và ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam; trong đó từ 2016 đến nay, TP.HCM luôn là điểm đến được khuyến nghị đầu tư.
DiaOcOnline.vn theo BizLIVE
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: