Top

Cả miền Nam chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại cấp phép mới

Cập nhật 04/05/2023 11:20

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tại miền Nam chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới trong một quý.

Số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép lẫn xây dựng và hoàn thành tại miền Nam suy giảm mạnh trong thời gian qua - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Số lượng các dự án nhà ở thương mại được phát triển tại miền Nam trong các tháng đầu năm đã xuống đáy, khi khu vực phát triển bất động sản sôi động bậc nhất cả nước lại đứng cuối bảng về số lượng dự án được cấp phép mới, đang xây dựng lẫn đã hoàn thành.

Dự án nhà ở thương mại "đội sổ"

Dữ liệu của Bộ Xây dựng cho thấy trong quý 1-2023, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành chỉ có 14 dự án, chỉ bằng phân nửa so với quý trước đó.

Trong đó, miền Bắc có 9 dự án, miền Trung 3 dự án, còn miền Nam chỉ vỏn vẹn 2 dự án với 93 căn (số lượng căn hộ hoàn thành chỉ bằng 1,6% so với miền Bắc).

Điều này cũng xảy ra tương tự với số lượng dự án đang xây dựng khi miền Bắc có 391 dự án thì miền Nam chỉ có 106, trong khi miền Trung lại vượt lên khi có đến 157 dự án.

Èo uột nhất là dự án được cấp mới khi cả nước có 17 dự án với 7.187 căn nhưng miền Nam lại chỉ có 3 dự án, miền Trung 5 dự án, còn miền Bắc lại áp đảo với 9 dự án.

Thống kê của Tuổi Trẻ Online cho thấy đây là con số đáng báo động khi số lượng các dự án phát triển quá thấp so với cùng kỳ của các năm gần đây, thậm chí thấp hơn cả giai đoạn cao điểm COVID-19.

Đơn cử, vào quý 3-2021, khi TP.HCM và nhiều tỉnh thành miền Nam giãn cách xã hội thì miền Nam vẫn có 18 dự án cấp phép mới, trong khi con số này tại miền Bắc là 13 và miền Trung là 6. Vào quý 1-2022, cả miền Nam chỉ có 11 dự án cấp phép mới, cũng chỉ bằng phân nửa so với miền Bắc (21 dự án).

Số lượng dự án căn hộ được cấp phép mới trượt dốc trong 3 năm qua và đỉnh điểm là vào quý 1 năm nay, khi miền Nam "đội sổ" với chỉ 3 dự án được cấp phép, trong khi các năm trước đó số lượng dự án tại miền Nam luôn dẫn đầu.

Khó khăn xác định giá "thị trường"

Tại báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết hiện các doanh nghiệp đang gặp các khó khăn liên quan đến pháp lý, vốn, phát hành trái phiếu…

Trong đó, Bộ Xây dựng cho rằng đối với khó khăn liên quan đến pháp luật về đất đai thì nhiều dự án gặp khó, chậm xây do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường". Bộ Xây dựng cho hay vướng về giá đất này chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án.

Ngoài ra, nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện và các vướng mắc khác liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, giao đất, đất công xen cài trong dự án…

Đối với khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, Bộ Xây dựng cho hay trường hợp quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên nên phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định… Ngoài ra, các dự án cũng gặp khó liên quan đến pháp luật về nhà ở, đô thị và xây dựng.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho hay tính đến nay, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 58 văn bản báo cáo liên quan đến 115 dự án bất động sản. Trong đó, Novaland có 6 dự án, Hưng Thịnh có 44 dự án, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) có 16 dự án.

Theo Bộ Xây dựng, tổ công tác đã nghiên cứu, rà soát và xử lý theo thẩm quyền 50 kiến nghị, trong đó đã gửi 48 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố và 2 văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết theo thẩm quyền.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ