Top

Hậu sốt đất ở phía tây Hà Nội: Nông dân bắt đầu lĩnh hậu quả

Cập nhật 16/06/2010 09:10

Cách đây hơn một tháng, đất tại khu vực huyện Ba Vì (Hà Nội) bừng bừng cơn sốt, thế nhưng hiện nay nhiều người đang bán tháo để đáo nợ, trả nợ. Một số gia đình chạy theo cơn bão sốt đất đang đứng trước nguy cơ sạt nghiệp.


Một số người dân trở lại với công việc đồng áng.

Tại khu vực các xã Yên Bài, Vân Hòa, trước khi “sốt” giá chỉ 50 - 70 triệu đồng/sào, nhưng đến đầu tháng 5, tăng lên 200 - 250 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, sau một tháng ôm đất, người dân bắt đầu vỡ mộng khi giá tụt dốc không phanh.

Suốt một tháng nay, anh Nguyễn Quốc Túy (thôn Đá Chông, xã Minh Quang, Ba Vì) như ngồi trên lửa khi mua mảnh đất ở mặt đường Quốc lộ 32 (khu vực xã Tản Lĩnh), rộng 6m mặt đường, giá 120 triệu đồng/m, hy vọng bán được giá cao hơn. Thế nhưng anh đã nhờ hết cò này đến cò khác mà vẫn không bán được. Đã thế lại thêm việc ngân hàng và các ông chủ kinh doanh tài chính siết lãi, siết nợ, khiến anh Túy ăn không ngon, ngủ không yên, muốn bán với giá 90 triệu đồng/m mà chả thấy ai hỏi.

Dạo quanh mấy xã dọc Quốc lộ 32, chúng tôi nhận thấy bầu không khí khá trầm lắng, khác với cảnh xe cộ nườm nượp, mua đi bán lại sôi động 1 tháng trước. Tạt vào quán sữa tươi Thực Huyền ven Quốc lộ 32, gần ngã ba rẽ vào Nông trường Bò và Đồng cỏ Ba Vì, chúng tôi bắt gặp bà chủ quán đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Sau dăm ba câu chuyện, chúng tôi dò hỏi tình hình đất đai thì bà thốt lên: “Đất á? Vỡ nợ hết rồi”.

Nhiều hộ gia đình ở Ba Vì đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ bởi bao nhiêu tài sản, đã cầm cố ngân hàng để đầu tư vào đất. Trong khi hầu hết họ đều là nông dân, sống nhờ mảnh vườn, thửa ruộng, nay “cần câu cơm” không còn, không biết họ sẽ đi đâu, về đâu?

Anh Đặng Hải Linh, xã Tản Lĩnh, Ba Vì, sau khi cầm cố tài sản đất đai, nhà cửa, toàn bộ số tiền anh nướng hết vào việc đặt cọc mua đất, nhằm lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên đến nay số tiền đặt cọc đã hết thời gian quy định trong cam kết, không có tiền trả cho chủ nợ, anh đang không biết tính hướng nào. Anh Linh đang định bán nốt ngôi nhà về sống với gia đình bố mẹ vợ tại Thành phố Nam Định.

Ông Phạm Văn Tự, Giám đốc Công ty Bất động sản Hùng Vương nhận định: Việc kinh doanh, giao dịch bất động sản đòi hỏi phải thông thạo về pháp luật, dày dặn kinh nghiệm, có khả năng phân tích, phán đoán thị trường, tuy nhiên, lâu nay người nông dân thường mua bán theo phong trào nên nhanh chóng lãnh hậu quả.

Ít người biết rằng một trong những nguyên nhân khiến đất ở Ba Vì sốt giá là do giới đầu cơ đứng đằng sau tung chiêu kích giá ảo, vì thế chuyện nhiều nông dân sập bẫy không có gì lạ. Một số người dân thắng trong vụ sốt giá là gặp may, nhưng người gặp may thì rất ít, người gặp rủi lại nhiều.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong