Một bức tường có diện tích chưa đến 2 m2 mặt đường tuyến phố mới mở được rao bán với giá 1 tỷ đồng.
Bức tường “bạc tỷ” nổi tiếng trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Ảnh: Lã Anh
|
"Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng một giải pháp rất hữu hiệu gọi là “phương pháp điều chỉnh đất” (hoặc gom đất). Theo đó, chính quyền sẽ đứng ra hướng dẫn những người có đất tập hợp đất lại rồi quy hoạch, phân thành những lô đất vuông vức và điều chỉnh các thửa đất vuông góc với mặt đường. Sau đó sẽ chia đều các lô đất cho từng hộ. Nếu còn dư lô nào sẽ mang bán rồi chia đều tiền cho nhau. Làm theo cách này thì nhà nào cũng có đất vuông vức và không có đất thừa thẹo sau khi con đường hoàn thành”. TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam |
Cũng ngay trên con đường này, còn 2-3 bức tường tương tự như thế được dựng lên bằng tôn. Cách bức tường nổi tiếng của ông Châm chỉ vài bước chân là một bức tường tôn kéo dài khoảng 20 m được dựng lên ôm trọn vạt đất mỏng dính (sâu chưa đầy 2 m) bên trong. Bên phía làn đường đối diện cũng có một bức tường tương tự. Trên bức tường tôn này còn có dòng chữ “Đất của anh Bẩy” kèm theo cả số điện thoại liên lạc. Bên cạnh những bức tường tôn, dọc đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài có hàng chục điểm, công trình đã và đang được xây dựng trên những thửa đất mỏng dính và méo mó. Có nơi chiều sâu của vạt đất chỉ khoảng 1 m nhưng vẫn được “cơ cấu” thành ba gian riêng biệt, có cửa kéo bằng sắt bên ngoài.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, trên nhiều tuyến đường mới làm hoặc mở rộng ở Hà Nội cũng đã và đang tồn tại không ít những bức tường “bạc tỷ” như vậy. Ngay đầu đường Ô Chợ Dừa (con đường mới mở cách đây chưa lâu) có một bức tường tôn kín mít được quây dọc theo mép đường, kéo từ đoạn ngã ba giao với đường Hoàng Cầu chạy dài đến vài chục mét. Bên trong bức tường tôn đó là khoảng đất sâu chưa đầy hai mét. Cách đó không xa, ngay sát cửa hàng bán điện thoại “UT Mobile” cũng là một bức tường tôn xanh dài gần chục mét quây cách bức tường của ngôi nhà bên trong chỉ một khoảng rộng chừng hơn một mét. Dò hỏi một số người dân sống gần khu vực, chúng tôi được biết bức tường tôn trên cũng được chủ nhân của nó rao bán với giá hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhà bên trong chưa thống nhất giá nên đến nay bức tường này vẫn còn nguyên trạng. Ở phía làn đường đối diện, khoảng giữa hai cửa hàng bán phở bò và cắt tóc cũng mọc lên một bức tường xây kiên cố bằng gạch dài gần chục mét. Được biết, bức tường này cũng được rao bán tiền tỷ…
Vắng bóng “tư lệnh” tổ chức
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại những bức tường “bạc tỷ” hay những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên một số tuyến đường ở Hà Nội hiện nay có liên quan đến vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị. “Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài là dự án của TP Hà Nội thực hiện. Đúng ra việc quy hoạch đô thị đối với dự án làm tuyến đường này phải thực hiện thành một khu vực, trong đó bao gồm cả quy hoạch con đường và các khu đô thị ở hai bên đường. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó đã không được thực hiện”, TS. Liêm nói.
"Để chấm dứt câu chuyện bức tường “bạc tỷ” như ở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài thì cần quy định rõ ràng về cách xử lý đối với những mẩu đất còn lại sau khi GPMB mà không đủ diện tích để sử dụng. Nếu không có những quy định chi tiết này, khi thực hiện sẽ vướng rất nhiều vấn đề. Theo tôi, nên đưa ra một khoảng thời gian cụ thể để các hộ dân tự thỏa thuận được với nhau. Nếu sau thời hạn đó mà không làm được thì thửa đất đó sẽ bị giải tỏa, làm đất công ích. Làm như vậy sẽ không có chuyện bức tường vài mét vuông bị thổi giá đến cả tỷ bạc như bây giờ”. TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải |
Theo ông Liêm, muốn thực hiện việc quy hoạch đô thị một cách đồng bộ thành một khu vực như nói ở trên, TP Hà Nội cần có một người đứng đầu quản lý mọi ngành có liên quan đến công tác quy hoạch đô thị. Nhưng hiện nay Thủ đô vẫn chưa xây dựng được một “tư lệnh ngành” như thế. Điều này dẫn tới việc quy hoạch đô thị, trong đó có công tác triển khai các dự án mở đường, làm đường diễn ra rời rạc, không thống nhất giữa các ngành liên quan. Thành ra, việc làm đường giao riêng cho ngành Giao thông, còn việc phát triển đô thị hai bên đường lại thuộc về bên xây dựng nên mạnh ai nấy làm và chỉ quan tâm đến dự án mình được giao. Thậm chí một số dự án, việc làm con đường gắn với các khu đô thị hai bên đường gần như bị bỏ quên mà chỉ quan tâm đến việc làm con đường cho xong nhanh chóng để đưa vào sử dụng mà bỏ quên cả một số hạng mục đi kèm như vỉa hè, đường điện, nước. “Làm đường thì phải làm cả hạ tầng dưới đường chứ không phải chỉ làm mỗi con đường rồi một thời gian sau lại đào đường lên để lắp đặt các hạ tầng khác vào. Nhưng cái việc như thế lại đang diễn ra ở rất nhiều nơi”, TS. Liêm phân tích.
Để lý giải nguyên nhân cho sự “ra đời” của những bức tường “bạc tỷ”, TS. Liêm lấy ví dụ cụ thể là đường Xã Đàn: “Mặt đường thì tử tế còn vỉa hè chỗ thò ra, thụt vào, chỗ rộng, chỗ hẹp. Vì vốn có hạn nên mới có chuyện GPMB gần hết rồi, chỉ còn một ít khoảng 1-2 m ngoài chỉ giới thì không giải phóng, không đền bù nên mới thừa lại và cái đó vẫn thuộc quyền sở hữu của dân. Ở Hà Nội đâu chỉ mỗi đường Nguyễn Văn Huyên mà nhiều con đường đều thế. Điều này sẽ vẫn tiếp diễn nếu Hà Nội không có một cái đầu chỉ huy thống nhất trong việc phát triển đô thị mà giao cho từng ngành một dự án lẻ như thế”, ông Liêm đúc kết.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: