Một nhược điểm lớn của cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay là chỉ dùng một giải pháp chuyển đổi thiệt hại sang tiền, trong khi có nhiều giải pháp khác không phải chi phí nhiều mà người dân vẫn thấy thỏa mãn về lợi ích...
Chưa thể nói là phù hợp theo giá thị trường
Ông Phùng Văn Nghệ - Quyền Cục trưởng Cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, trước đây, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện theo một phương thức mang tính bắt buộc. Cơ chế, thủ tục, giá cả đền bù, tái định cư được thực hiện theo các quy định có sẵn.
Nhưng gần đây, các cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ những vướng mắc theo hướng ngày càng uyển chuyển hơn, trong đó đã có thêm cơ chế “tự nguyện” đối với những dự án kinh doanh.
Các nhà đầu tư được phép thương thảo với dân về giá đền bù và những lợi ích liên quan. Các dự án mà nhà nước thu hồi thì giá đền bù cũng được tính “phù hợp theo giá thị trường”, sau mỗi năm các địa phương lại cập nhật lại khung giá đất.
Nói là phù hợp theo giá thị trường nhưng theo GS. Đặng Hùng Võ, giá cả đền bù hiện nay chủ yếu vẫn dựa theo khung giá đất do UBND các địa phương quy định. Trong khi đó, mức giá này thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Mức giá cao nhất mà người bị thu hồi đất được trả chỉ bằng khoảng 70 - 80% giá thực tế.
Chính ông Nghệ cũng thừa nhận, ngay bản thân cơ chế “tự nguyện” mới áp dụng đã rắc rối. Thực tế một dự án thường có nhiều chủ đầu tư, bên cạnh đó một số người dân lại không muốn thương thảo, đặt ra các điều kiện quá cao. Vì vậy, các nhà đầu tư lại muốn chuyển sang cơ chế “bắt buộc”.
Việt Nam cũng như các nước đang phát triển, các hình thức chuyển đổi đất chủ yếu là chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để phát triển đô thị. Nếu tính đúng, tính đủ thì mức chi phí đền bù đất đai chiếm tỷ lệ quá lớn trong kinh phí đầu tư song vẫn không thỏa mãn được nguyện vọng của người dân vì giá đất để tính bồi thường vẫn thấp hơn giá thị trường.
Chia sẻ lợi ích
Vấn đề chủ yếu của các đô thị Việt Nam hiện nay là chỉnh trang lại các khu phố nghèo, xây dựng lại các khu chung cư cũ nát, nâng cấp hạ tầng đô thị, trong đó đáng chú ý là các dự án xây dựng lại các khu chung cư cũ nát khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên hiện chưa tìm được sự đồng thuận của các cư dân sinh sống tại đó vì vấn đề lợi ích sau khi hoàn thành dự án chưa được làm rõ. Việc chỉnh trang lại các khu phố nghèo, nâng cấp hạ tầng đô thị cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc giải phóng đền bù...
Trước tình hình trên, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề nghị áp dụng cơ chế thị trường trong việc chuyển đổi, phân phối đất nhằm đảm bảo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa các bên.
Theo bản báo cáo kiến nghị chính sách “Về đổi mới chính sách đất đai liên quan đến cơ chế chuyển đổi cơ chế đất đai không tự nguyện ở Việt Nam” của WB mới công bố, nguyên tắc chia sẻ lợi ích được phân ra thành hai phần: chia sẻ lợi ích bằng tiền và chia sẻ lợi ích không bằng tiền.
Trong đó, về lợi ích bằng tiền không chỉ có khoản đền bù tức thì mà còn có những khoản lợi tức lâu dài gắn với sự hoạt động của dự án. Những lợi ích không bằng tiền có thể là trả lại và phát triển đời sống của cư dân địa phương thông qua việc tạo việc làm trong khu vực, phát triển hạ tầng, các dịch vụ công cộng...
Theo nhận định của WB, ở Việt Nam, pháp luật và chính sách hiện nay mới tập trung vào việc bồi thường và tái định cư được tính thành tiền nên đã phát sinh khá nhiều khiếu kiện trên thực tế. Đó chính là vì việc chia sẻ lợi ích bằng tiền và lợi ích không tính bằng tiền chưa được xem xét.
“Trước áp lực ngày càng nhiều dự án gây tác động lớn về mặt xã hội và môi trường tới con người trên phạm vi rộng ở Việt Nam thì việc áp dụng đầy đủ cơ chế chia sẻ lợi ích trong chuyển đổi đất đai cần được sớm nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai vào thực tế” - GS Đặng Hùng Võ nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: