Top

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu dân cư chủ yếu sang chức năng công cộng

Cập nhật 26/06/2009 14:10

Đây là khẳng định của UBND TP về chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các dự án trong các khu dân cư thời gian qua.

Việc thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các đơn vị trong khu dân cư không chỉ sang làm nhà ở mà chủ yếu sang các chức năng công cộng khác là phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố (bao gồm chức năng sử dụng đất, giao thông, hạ tầng kỹ thuật).

Gần đây, các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và một số công trình dịch vụ khác đã được giới thiệu đầu tư xây dựng chủ yếu tại các khu vực ngoài vành đai 2 như: Tổ hợp thương mại - khách sạn - căn hộ cao cấp Keangnam cao 70 và 48 tầng; Siêu thị Big C; Tổ hợp khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê của Tập đoàn dầu khí Việt Nam… và được xây dựng rất hạn chế trong khu vực từ vành đai 2 trở vào trung tâm (khu hạn chế phát triển), chủ yếu trên các khu đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm (Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Văn phòng phẩm Hồng Hà, Dệt 8/3…), cải tạo các khu nhà cũ nát, cấp 4, hư hỏng để chuyển đổi chức năng sử dụng đất, xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, bổ sung các chức năng còn thiếu của đô thị, đồng thời cân đối nhu cầu nguồn vốn để có thể thực thiện công tác cải tạo bộ mặt đô thị…

Theo UBND TP, Nghị quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đều xác định Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Phát triển Thủ đô được xác định là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế với quốc tế. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Thủ đô đã được xây dựng và thực hiện trong mối quan hệ hữu cơ với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển không gian.

Để cụ thể hóa những định hướng mang tính chiến lược như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tại Quyết định số 108/QĐ-TTg, trong đó xác định nhu cầu sử dụng đất của thành phố theo 3 khu vực: Khu vực hạn chế phát triển (hữu ngạn sông Hồng); Khu vực mở rộng (hữu ngạn sông Hồng); Khu vực phát triển xây dựng mới (Bắc sông Hồng). Trong đó ranh giới Khu vực hạn chế phát triển được xác định: Giới hạn từ vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân) trở vào trung tâm, bao gồm đất đai của các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và 3 phường thuộc quận Tây Hồ, về lâu dài khống chế quy mô dân số khoảng 0,8 triệu người với định hướng sử dụng đất: Hạn chế xây dựng công trình cao tầng ở phố cổ, phố cũ để dùng đất cho lợi ích công cộng; Di chuyển các công trình nằm trong phạm vi xây dựng các công viên, phạm vi đường đỏ một số tuyến đường sẽ mở và phạm vi các di tích; Cải tạo triệt để các khu phố có môi trường sống thấp kém, khai thác triệt để đất đai phục vụ giải tỏa, tái định cư, xây dựng công trình trọng điểm… nhằm giảm mật độ dân cư, mật độ xây dựng và nâng cao hệ số sử dụng đất.

Trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung đó, UBND TP cùng các Sở, Ngành chức năng đã phê duyệt các kế hoạch, hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt rất nhiều đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết làm cơ sở để các cơ quan của Nhà nước, nhân dân và mọi thành phần kinh tế triển khai thực hiện theo quy định, góp phần xây dựng đô thị ngày càng hoàn thiện về thẩm mỹ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đến nay quy hoạch chi tiết của 14 quận, huyện (theo địa giới hành chính thành phố Hà Nội cũ) đã được UBND TP phê duyệt, kèm theo đó là rất nhiều quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, khu chức năng đô thị, khu công nghiệp, cụm trường, điểm dân cư nông thôn… tại các quận, huyện nêu trên để cụ thể hóa quy hoạch (thành phần hồ sơ quy hoạch bao gồm quy hoạch sử dụng đất, giao thông, hạ tầng kỹ thuật), đưa quy hoạch vào đời sống phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố và đất nước.

Như vậy, việc chuyển đổi, sắp xếp lại chức năng sử dụng đất cho phù hợp với sự phát triển của đô thị luôn đi đôi với công tác cải tạo, xây dựng mới hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu vực đã và đang được thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị