Chính quyền cần có sự quy hoạch, định hướng phát triển cơ sở lưu trú phù hợp với từng địa bàn.
Sống khoẻ nhờ… nhiều sao
Ngành “công nghiệp không khói” ở TP. Đà Nẵng đang trên đà phát triển. Từ đầu năm 2015 đến nay, tổng lượng khách đến thành phố ước đạt hơn 3,37 triệu lượt, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 775 nghìn lượt, tăng 133,3%... Lượng khách tăng nhanh, kéo theo cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch cũng đang phát triển nhanh chóng...
Thị trường khách sạn phát triển khá nhanh ở TP. Đà Nẵng
|
Theo báo cáo thị trường BĐS TP. Đà Nẵng quý II/2015 của Savills Việt Nam, thị trường BĐS ở đây đang có những dấu hiệu tích cực. Trong đó, nguồn cung khách sạn 3 - 5 sao của thành phố đạt 7.050 phòng từ 64 dự án, tăng 10% theo quý và 32% theo năm. Giá thuê phòng ở phân khúc này cũng tăng trung bình 8% theo năm lên 1,78 triệu VND/phòng/đêm, trong khi doanh thu phòng trung bình tăng 13% theo năm. Đặc biệt, doanh thu phòng khách sạn ở TP. Đà Nẵng từ 5 sao đến 4 sao tăng lần lượt là 66% và 29% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo nhiều người, lý do các khách sạn càng nhiều sao càng sống khoẻ ở Đà Nẵng, là bởi hầu hết những cơ sở lưu trú này có thể khai thác khách quanh năm. Vào mùa thấp điểm của du lịch trong nước, các khách sạn này lại thu hút khách quốc tế. Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng tốt các khách sạn từ 4 - 5 sao còn có thể khai thác khách hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Quản lý Cơ sở lưu trú (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng) cho biết, kinh doanh của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao trên địa bàn đang khá hiệu quả, bình quân công suất buồng phòng đạt 70 - 80%, ngày lưu trú đạt từ 3 ngày trở lên…
Ước tính trong những tháng cuối năm 2015, thị trường khách sạn tại TP. Đà Nẵng sẽ còn có gần 40 dự án đi vào hoạt động, cung cấp thêm 8.570 phòng. Đặc biệt, đến năm 2017 thị trường khách sạn Đà Nẵng đón thêm 8 khách sạn hạng sang. Trong đó, phần lớn đều nằm ở các khu vực ven biển.
Trong thực tế, nguồn cung khách sạn từ 4 - 5 sao ở thành phố biển này sẽ tăng trong thời gian tới khi hàng loạt các dự án khách sạn nghỉ dưỡng tiếp tục đi vào hoạt động. Một số dự án khách sạn 5 sao các nhà đầu tư có tiềm lực như VinGroup, VinaCapital… sẽ mở cửa trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2017.
Ngoài ra, việc đăng cai APEC 2017 cũng sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh và dịch vụ của Đà Nẵng. Trong dịp này, hứa hẹn địa phương sẽ thu hút một lượng lớn du khách quốc tế, từ đây sẽ có những tác động tích cực đến phân khúc khách sạn hạng sang trên địa bàn.
Ì ạch khách sạn ít sao
Trái ngược với việc ăn nên làm ra ở các khách sạn 4 - 5 sao, nhiều khách sạn dưới 3 sao ở TP. Đà Nẵng lại gặp rất nhiều khó khăn, không ít chủ đầu tư đang âm thầm tìm cách sang nhượng để cắt lỗ…
Nguyên nhân nào có sự trái ngược như vậy? Theo nhiều người đầu tiên phải kể đến số lượng các khách sạn nằm trong phân khúc này phát triển quá nhanh.
Chỉ tính trong 3 năm từ năm 2012 đến nay đã tăng lên hơn 100 cơ sở lưu trú. Do tăng nhanh về số lượng, nên công suất buồng phòng bình quân vào mùa cao điểm đối với khách sạn từ 20 phòng trở xuống đạt 55%, mùa thấp điểm chỉ đạt 21%. Đối với khách sạn từ 80 phòng trở lên vào mùa cao điểm đạt 65,42%, mùa thấp điểm chỉ đạt 34,14%... Từ năm 2012 đến nay, công suất khai thác của các cơ sở lưu trú từ 1 - 3 sao ở TP. Đà Nẵng đã và đang giảm liên tục và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại...
Đại diện Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, việc đầu tư ồ ạt cho phân khúc khách sạn 3 sao trở xuống đã làm cho tổng nguồn cung thị trường Đà Nẵng tăng lên nhanh chóng. Điều này, khiến các khách sạn phải chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn. Nếu không tạo dựng được sự khác biệt thì nên chuyển hướng đầu tư không nên xây dựng…
Luẩn quẩn trong vòng đầu tư không hiệu quả, không được nâng cấp tu sửa, vắng khách… nhiều chủ đầu tư vào phân khúc khách sạn dưới 3 sao ở TP. Đà Nẵng đang “sa lầy” và chưa tìm thấy đường ra. Thực tế, việc cạnh tranh ở các khách sạn dưới 3 sao trên địa bàn đang diễn ra không lành mạnh nhằm thu hút khách. Chưa kể đến tình trạng chất lượng phục vụ ngày càng tệ đã và đang làm ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của thành phố…
Mới đây, để tìm hướng làm ăn cho các khách sạn 3 sao trở xuống, thoát khỏi những khó khăn hiện nay các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng khuyến cáo, đối với các khách sạn từ 1 - 3 sao, chủ đầu tư nên xem xét chuyển hướng đầu tư kinh doanh vào các dịch vụ khác phục vụ du lịch như, ẩm thực, nhà hàng đặc sản, hoặc chuyển quyền thương hiệu, chuyển công năng thành trung tâm mua sắm, bảo tàng tư nhân, khu vui chơi giải trí, tụ điểm văn hóa, café âm nhạc, bar, vũ trường…
Tuy nhiên, nhìn chung đây chỉ là những giải pháp “chữa cháy”, về lâu dài trước tình trạng “bội thực” khách sạn từ 3 sao trở xuống như hiện nay, nhiều người cho rằng chính quyền thành phố cần có sự quy hoạch, định hướng phát triển cơ sở lưu trú cho phù hợp đối với từng địa bàn. Hạn chế xây dựng các khách sạn với quy mô dưới 20 phòng.
Đồng thời, xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp đến TP. Đà Nẵng để giải quyết bài toán cung cầu vào mùa thấp điểm, cũng như tăng cường kết nối với các địa điểm du lịch lân cận như Hội An hay cố đô Huế… để thu hút ngày càng nhiều du khách đến Đà Nẵng.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: