Bộ trưởng khẳng định ba năm nay các công trình giao thông chỉ có giảm so với tổng mức đầu tư.
Đăng đàn trong phiên chất vấn chiều 18-11, bộ trưởng Bộ GTVT nhận được nhiều câu hỏi “xóc” liên quan đến việc các công trình giao thông đội vốn cao nhưng chất lượng không tương xứng; thất thoát lãng phí ở mức 30%-50%...
Thất thoát công trình đến 50%?
Đại biểu (ĐB) Trương Thị Ánh (TP.HCM) hỏi: Các công trình làm đường giao thông đều đội vốn rất cao. Nguyên nhân vì sao vốn cao nhưng chất lượng thì chưa cao? Kế tiếp, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) tiếp lời: “Nhiều tuyến đường giao thông mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, trong khi suất đầu tư cho 1 km đường là rất cao. Cử tri cho rằng thất thoát với công trình giao thông phổ biến 30%-50%, thậm chí trên 50%. Đây là nguyên nhân dẫn đến công trình kém chất lượng, đồng thời ngân sách nhà nước phải chi ra một số tiền cực lớn để sửa chữa khi hết thời gian bảo hành”. Cả hai ĐB đều mong muốn Bộ trưởng Thăng đưa ra giải pháp để quản lý toàn diện từ việc thiết kế, thi công, giám sát nhằm chống thất thoát, lãng phí.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trần tình: Công trình đội vốn có nhiều nguyên nhân. Về chủ quan do đầu tư không đúng quy hoạch, phê duyệt thiết kế không đúng, áp dụng các định mức đơn giá không chuẩn, giải phóng mặt bằng chậm, không lo đủ vốn dẫn đến tiến độ công trình chậm… “Những năm trước đây có tình trạng đó nhưng trong ba năm trở lại đây, tất cả công trình giao thông không có công trình nào đội vốn, chỉ có giảm hơn so với tổng mức đầu tư. Tôi xin cam kết như vậy. Vì với những công trình thiết kế đúng, phù hợp, giải phóng mặt bằng tốt, chuẩn bị vốn đúng… thì không có lý do gì để công trình đội vốn cả” - ông Thăng nói.
Cũng theo ông Thăng, năm 2014 là năm thứ tư Bộ GTVT thực hiện năm chất lượng công trình, siết chặt kỷ cương bảo đảm tiến độ các dự án…
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: TTXVN
|
Nói về vết nứt trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, ông Thăng khẳng định đây là “sự cố hi hữu”, vết nứt do giữa hai lỗ khoan có một tảng đá trượt nghiêng ra ngoài. Quá trình khảo sát thiết kế thi công không phát hiện ra, dù thiết kế là của Nhật, thi công là nhà thầu Hàn Quốc, nhà thầu Nhật giám sát cũng không phát hiện việc này.
* ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình): Mức thu phí đường bộ và đường cao tốc hiện nay có cao không?
+ Bộ trưởng Đinh La Thăng: Mức thu phí này theo quy định của Bộ Tài chính, không phải muốn thu cao hơn thì thu.
* ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Dự án đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông sử dụng công nghệ của quốc gia nào, cũ hay mới? Tại sao tiến độ quá chậm?
+ Đây là dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công. Khi khai thác, tàu trên cao sẽ chạy với vận tốc 40-60 km/giờ, sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Trung Quốc. Xảy ra sự cố chúng tôi đã xử lý trách nhiệm của những bên có liên quan và cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể…
* ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Quốc lộ 1 đoạn TP.HCM đến Nha Trang đi đúng tốc độ như Bộ GTVT quy định gây ức chế ghê gớm! Nhiều người nói nếu làm đường đi 30-40 km/giờ thì đường đất mà đi, làm đường làm gì? Chúng ta đặt mục tiêu cần một đôi đường sắt chạy tốc độ 180 km/giờ, nghĩa là TP.HCM - Hà Nội độ 10 tiếng. Bộ trưởng nói sẽ nghiên cứu, vậy đến nay có nghiên cứu vấn đề này không?
+ Chúng tôi đã cho rà soát các biển báo trên toàn quốc, những biển bất hợp lý đều được dỡ bỏ. Đường cao tốc Hà Nội - TP.HCM - Dầu Giây trước là 100 km/giờ, giờ đúng thiết kế là 120 km/giờ. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm để dẹp bỏ những biển báo gây bức xúc cho người dân.
Bộ hiện đang triển khai chiến lược tổng thể phát triển ngành GTVT đến năm 2020. Đối với đường sắt, bên cạnh tuyến đường cũ được hiện đại hóa để nâng tốc độ khai thác lên 80-90 km/giờ, chúng tôi nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt với tốc độ lên đến 200 km/giờ để có thể “sáng ăn phở tại Hà Nội, tối uống cà phê tại TP.HCM”.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: