Top

Bỏ hoang… nhà tái định cư

Cập nhật 20/07/2007 17:00

Gần 3 năm sau khi xây dựng, nhà NO3 - Khu tái định cư Dịch Vọng vẫn “cửa đóng, then cài”

Trái với sự sầm uất và sang trọng của khu biệt thự và nhà ở thương mại Làng Quốc tế Thăng Long là không khí vắng vẻ, tiêu điều của Khu tái định cư Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), dù 2 dự án này chỉ cách nhau mặt cắt tuyến đường Trần Đăng Ninh.

Khu tái định cư Dịch Vọng gồm hàng chục nguyên đơn nhà cao tầng với hơn 900 căn hộ. Mặc dù việc xây dựng đã hoàn thành từ năm 2005, nhưng đến nay, số hộ chuyển đến sinh sống tại Khu tái định cư Dịch Vọng chỉ có thể “đếm trên đầu ngón tay”.

Bà Nguyễn Thị Bé (sống tại nhà NO8, một trong những người chuyển đến ở sớm nhất tại Khu tái định cư Dịch Vọng) cho biết, mặc dù đã hoàn thành việc xây dựng gần 3 năm, các đơn vị thi công đã rút đi từ lâu, nhưng hạ tầng các khu nhà hầu hết còn dở dang. Những hộ gia đình chuyển đến sinh sống một thời gian đều phải bỏ tiền túi khắc phục việc sàn nhà bị thấm, dột. Nhà N04 đã hoàn thành 3 năm, nhưng hệ thống điện, nước chưa hoàn chỉnh, đang phải đào bới lên làm lại. Ngay sát nhà NO4 là nhà N05 và N06 với khoảng 250 căn hộ tái định cư cũng chung số phận tương tự. Quan sát bên ngoài các tòa nhà Khu tái định cư Dịch Vọng, có thể thấy, hầu hết gạch lát hè bong tróc, những ô đất (có lẽ được dùng để xây vườn hoa) đã trở thành những vườn cỏ dại mọc um tùm.

Tiếp tục khảo sát tại Khu đô thị mới Cầu Diễn, thực trạng các khu nhà tái định cư B3, B4, B5 cũng trong tình trạng tương tự. Mỗi khu nhà ở đây có khoảng 40 căn hộ, thì hiện tại, mới có khoảng một nửa số căn hộ có người sinh sống, thang máy chưa thể sử dụng, nước sạch khan hiếm. Số căn hộ chưa sử dụng nằm im lìm giữa ngổn ngang vật liệu xây dựng, cát sỏi xếp thành đống ở lối vào khu chung cư… Một số hộ dân chuyển đến sinh sống buộc phải đắp những con đường tạm bằng gạch vỡ để đi trong những ngày mưa, vì nước mưa không có lối thoát làm ngập lối đi...

Qua đợt kiểm tra mới đây, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm của đơn vị thi công tại các công trình xây dựng tái định cư nêu trên. Hậu quả là hầu hết khu nhà đều có hiện tượng lún, sụt nền đất dưới hè tường móng công trình, bong gạch lát nền, cong vênh cửa kính, thấm dột tại các công trình phụ... Tại một số công trình, đoàn kiểm tra đã phát hiện những vết nứt qua mạch vữa của khối xây gạch hoặc nứt tách phần tiếp giáp khối xây gạch với thành cột đáy dầm bê tông cốt thép, bong gạch lát nền, thấm sàn khu vệ sinh, tắc đường ống thoát nước…

Sau khi thanh tra, các đơn vị thi công đã tiến hành sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia xây dựng, việc sửa chữa chỉ khắc phục được những khuyết điểm “bề mặt”, xoa dịu sự bức xúc trong dư luận nhân dân, chứ không giải quyết được một cách căn bản những khiếm khuyết của công trình.

Ngoài những sai phạm đã được phát hiện, các công trình nhà tái định cư còn tiềm tàng nhiều mối hiểm họa khác. Đó là tình trạng vi phạm quy trình an toàn phòng cháy chữa cháy diễn ra khá phổ biến. Tại các nước phát triển, độ cao của công trình xây dựng phải căn cứ vào khả năng cứu hộ hỏa hoạn. Các đội cứu hỏa có khả năng vươn cao đến đâu, thì chủ đầu tư được thiết kế, xây dựng nhà cao đến mức đó, nhưng các công trình xây dựng tại Hà Nội hiện nay hầu hết đều không quan tâm đến vấn đề này.

Mặc dù chưa được sử dụng, nhưng mặt ngoài của nhiều tòa nhà rêu mốc đã phủ kín. Nhiều người lo ngại, chỉ tính riêng việc sơn mặt ngoài cho tòa nhà từ cao 15 tầng đã lên đến 400 triệu đồng. Liệu sau 10 - 15 năm nữa, các doanh nghiệp xây dựng có còn chịu trách nhiệm về các sản phẩm của mình không khi mà kinh phí bảo trì cho mỗi tòa nhà (thay thế trang thiết bị hết niên hạn sử dụng, sửa chữa chống xuống cấp công trình kiến trúc…) chắc chắn lên đến tiền tỷ.

Trong lúc hàng loạt dự án của Hà Nội đang chậm tiến độ vì thiếu quỹ nhà tái định cư, thì Hà Nội lại có hàng trăm căn hộ tái định cư xây rồi bỏ hoang. Chỉ tính riêng tại Dự án Khu tái định cư Dịch Vọng đã có hàng trăm căn hộ như thế. Nếu tính với giá thuê nhà chất lượng thấp tại Hà Nội hiện nay, thì với hàng chục ngàn mét vuông nhà bị bỏ hoang trong 3 năm của Dự án này, số tiền thất thoát đã lên đến hàng triệu USD!

Theo Đầu tư