Top

Biệt thự bỏ hoang: Không lối thoát

Cập nhật 26/08/2014 09:30

Hàng nghìn căn nhà, hàng triệu mét vuông đất vàng bị bỏ hoang nhưng hàng triệu người vẫn phải sống trong căn nhà cho thuê, chật chội với giá thuê “cắt cổ” vẫn là nghịch cảnh đầy ám ảnh của thị trường BĐS.

Cầu ảo, giá ảo

Theo anh Nguyễn Văn Việt – nhân viên một sàn giao dịch tại Hà Đông, hiện nay anh đang được khách gửi bán khá nhiều biệt thự, liền kề trong khu vực. Có những khách hàng gửi bán đã vài năm nhưng vẫn không có người hỏi mua. Tại nhiều dự án, giá rao bán “cắt lỗ” đến một nửa cũng khó thoát hàng.

Anh Việt cũng cho biết, hiện nay “khẩu vị” của khách hàng đã có sự thay đổi khi họ mua theo nhu cầu và ở vì tiện ích. Những căn biệt thự hoành tráng nhưng chưa đồng bộ các hạng mục dịch vụ có cho thuê cũng không đắt chứ đừng nói đến bán được.

Khi hàng triệu người vẫn phải sống trong căn nhà cho thuê, chật chội với giá thuê “cắt cổ” thì vẫn có những dãy biệt thự rộng thênh thang không một bóng người

Thị trường bất động sản ngày càng có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên những ngôi biệt thự hàng chục tỉ đồng có vị trí đắc địa vẫn bị bỏ hoang ở Hà Nội. Các khu nhà biệt thự, liền kề tại các dự án, như Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, Nam An Khánh - Geleximco, Splendora, Khu đô thị Vân Canh, Kim Chung - Di Trạch, Lideco (huyện Hoài Đức)... có đến hàng ngàn căn biệt thự, nhà liền kề đã xây thô không sử dụng. Đây là hệ quả của một thời gian dài thị trường bất động sản phát triển bùng nổ, người người, nhà nhà đầu tư bất động sản. Các đại gia địa ốc đã quá kỳ vọng vào một nhu cầu “ảo” mang tính đầu cơ hơn là nhu cầu thực tế của người dân.

Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong quý II/2014, nguồn cung nhà liền kề, biệt thự tại Hà Nội đạt khoảng 29.400 căn từ 105 dự án. Trong quý I/2014, phân khúc biệt thự, liền kề tiếp tục có giao dịch rất trầm lắng. Đến quý II tình hình có cải thiện nhưng rất chậm.

Thực tế, giá nhà biệt thự, liền kề, dù ở thời điểm này được cho là đã giảm mạnh, đến 50%, nhưng vẫn còn quá cao. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 chỉ đạt hơn 40 triệu đồng/năm, nhưng các dự án biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội vẫn duy trì giá bán từ 30 đến 120 triệu đồng/m2.

Với mức giá này, những người có nhu cầu thực không thể tiếp cận được với nguồn hàng. Trong khi đó, đổ vào số tiền lớn, nhà đầu tư vẫn tiếp tục kỳ vọng lợi nhuận từ phân khúc biệt thự, liền kề. Điều này khiến những căn biệt thự tiền tỷ vẫn tiếp tục bị bỏ hoang mà chưa định được ngày sử dụng.

Lực bất tòng tâm?

Vấn đề siết biệt thự bỏ hoang đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhiều phương án nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Hà Nội từng ra hàng loạt thông điệp về sự hoang phí này. Từ việc yêu cầu một số chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt đến giải pháp đánh vào kinh tế. Trong đó, Hà Nội đưa ra đề xuất đánh thuế và thu phí người sở hữu từ 2 biệt thự bỏ hoang trở lên để tránh đầu cơ, tăng ngân sách cho nhà nước.

Tuy nhiên, việc xử lý vẫn dừng lại ở những đề xuất. Và đến nay, nhà thiếu vẫn thiếu, nhà để hoang vẫn không có người ở.

Trong một thành phố có mật độ dân số cao nhất thế giới như Hà Nội, khi hàng triệu người vẫn phải sống trong căn nhà cho thuê chật chội với giá thuê “cắt cổ” thì vẫn có những dãy biệt thự rộng thênh thang không một bóng người. Nghịch lý ấy tồn tại và được coi như sự tất yếu của quá trình phát triển khi thị trường chuyển từ sốt nóng sang nguội lạnh. Có lẽ để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh lâu dài cần phải có những chính sách căn cơ như thuế sở hữu bất động sản chứ không chỉ là những căn nhà bỏ hoang.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet