Top

BĐS Tây Hà Nội: Lại “nóng” theo hạ tầng

Cập nhật 29/09/2010 09:20

Mặc dù Trung tâm hành chính Quốc gia không dời lên Ba Vì nhưng sự kiện Đại lộ Thăng Long chính thức khánh thành, rồi khai thông các tuyến đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn kéo dài, hay việc khởi công tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội… thực sự là những "cú hích" khiến thị trường bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội có dấu hiệu sôi động trở lại.


Tại xã Đông Xuân, mảnh đất mặt đường khu chợ này được bán với giá từ 12 -14 triệu/m2

Nóng trở lại

Nhóm phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp online trở lại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) trước thuộc Lương Sơn (Hòa Bình) nay được giao về Hà Nội - nơi được xem là một trong các tâm điểm của cơn sốt đất vừa qua. Những tưởng việc Bộ Xây dựng khẳng định không xây Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì và số phận chưa biết ra sao của trục Hồ Tây - Ba Vì đã tạo ra cơn tháo chạy của các nhà đầu tư BĐS khỏi khu vực này và thị trường nhà đất ở đây còn "ngủ đông" một thời gian lâu nữa. Tuy nhiên, thực tế diễn ra dường như trái với suy nghĩ của chúng tôi.

Cách điểm Đại lộ Thăng Long giao với đường 21 khoảng 6km, bà Lan - một thành viên của đội quân cò đất đông đảo ở xã Đông Xuân dẫn chúng tôi đi xem mảnh đất thổ cư rộng 2 sào nằm trong ngõ được bán với giá 800 triệu đồng/sào. Còn mảnh đất mặt đường khu chợ được bà ‘hét’ giá cao ngất ngưởng ở mức 12 -14 triệu/m2. Theo bà Lan, thời gian gần đây khách đến tìm mua đất đã đông trở lại, nhất là vào dịp cuối tuần.

Anh Vũ Đình Thực ở xã Tiến Xuân cũng đang rao bán mảnh đất tại khu phố chợ với giá 12 triệu/m2 và mảnh đất thổ cư nằm trong ngõ với giá 750 triệu đồng/sào. Anh Thực cho biết, xã Tiến Xuân có tới 25 dự án lớn nhỏ (?), đặc biệt là khu vực gần dự án trường ĐHQG đang được anh bán với giá 2 tỷ/sào, mặc dù giá cao chót vót xong vẫn rất nhiều khách hỏi mua.

Còn tại khu vực Ba Vì, khi có thông tin Trung tâm hành chính quốc gia không chuyển lên Ba Vì thì giá đất tại khu vực này có chiều hướng ngược lại. Tại các xã như Yên Bài, Tản Lĩnh, Kim Sơn, Thị trấn Tây Đằng... vào hồi tháng 6, giá đất được chào tới 8 - 10 triệu đồng/m2 thì nay rớt giá còn 1-3 triệu đồng tùy khu vực. Trên địa bàn huyện cả 2 tháng nay không có giao dịch, không ai mua bán. Những người đã trót mua đất thổ cư hiện bán vẫn chưa nhiều. Còn người dân thì hiện nay đất cũng không nhiều, giá lại giảm nên họ cũng không mặn mà chuyện bán nữa.

Giá tăng...chóng mặt

Trong khoảng vài ngày trở lại đây, khu vực Nhổn (Từ Liêm) - nơi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội vừa được khởi công xây dựng khiến cho giá đất tại đây sôi động từng ngày. Theo khảo sát của phóng viên, đất có sổ đỏ được bán ở mức 40 - 50 triệu/m2, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Tuy nhiên, người dân ở khu vực này vẫn đang “ôm” đất chưa muốn bán bởi theo họ, trong thời gian tới, giá đất sẽ còn tăng lên rất nhiều.

Một khu vực khác cũng khiến nhiều người "choáng" là điểm đầu Đại lộ Thăng Long, gần trung tâm Mỹ Đình. Bà Minh ở Ngọc Khánh có một miếng đất khoảng 70 m2 ở thôn Đại Mỗ, cách đây khoảng 2 tháng miếng đất mặt đường chạy qua thôn nối đường 70 ra đường Láng - Hòa Lạc cũ giá chỉ khoảng 40 triệu/m2. Tuần trước bà bất ngờ khi có người hỏi mua với giá gần 70 triệu/m2. Hỏi ra mới vỡ lẽ nguyên do là Đại lộ Thăng Long và hai tuyến đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn kéo dài đã khánh thành. Lại nữa, sự kiện hai "đại gia" Vinaconex và Viettel bắt tay nhau triển khai Dự án khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ có quy mô 280 ha được công bố khiến giá đất tại đây đã tăng một cách chóng mặt. Mặc dù giá cao ngất ngưởng nhưng luôn ở trong tình trạng “người bán thì ít, người mua thì nhiều” vì người dân kháo nhau khu vực này sắp lên quận (?).

Hay như tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài đến đường Vành đai 4 vừa chính thức thông xe. Tuyến đường kết nối hàng loạt các dự án khu đô thị lớn như khu đô thị mới Phùng Khoang, Vạn Phúc, Văn Khê, Dương Nội, An Hưng, Geleximco… Đây là tín hiệu dự báo giá đất xung quanh khu vực này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.


Mảnh đất tại xã Tiến Xuân đang được rao bán với giá 750 triệu đồng/sào. Mặc dù giá cao nhưng vẫn thu hút rất đông khách tìm mua

Anh Mai Duy Lâm - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Vinaland cho biết, quận Hà Đông hiện có hàng trăm dự án đang được đầu tư xây dựng, tạo hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại và được coi là quận có tốc độ đô thị hóa cao nhất Thủ đô hiện nay. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tiềm năng BĐS khu vực này sẽ đem lại lợi nhuận siêu cao nên đã “đổ tiền” vào đây rất nhiều.

Phân khúc đất thổ cư có sổ đỏ diện tích nhỏ và vừa đang rất được ưa chuộng. Lý do nhiều khách hàng đưa ra là tương đối an toàn và có thể dễ dàng thế chấp vay tiền. Anh Nguyễn Hoàng Long - Công ty xuất nhập khẩu Hà Anh cho biết: “Mua đất trong các khu đô thị không biết bao giờ mới cầm được sổ, hơn nữa nếu chủ đầu tư không có năng lực thì dự án triển khai bị kéo dài. Ngoài ra, cũng nhiều rủi ro bởi hầu hết các nhà đầu tư đều không được mua trực tiếp từ chủ đầu tư mà phải mua qua các công ty thứ cấp nếu không cẩn thận rất dễ bị lừa, do vậy mua đất sổ đỏ an toàn hơn nhiều”.

Anh Long cũng cho biết, trong thời buổi đồng tiền ngày càng mất giá như hiện nay, việc đầu tư vào BĐS vẫn là kênh an toàn và mang lại lợi nhuận cao.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp