Top

Thông xe đại lộ hiện đại và dài nhất Việt Nam

Cập nhật 29/09/2010 09:10


Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Minh Sang
Hôm nay 29.9, Đại lộ Thăng Long sẽ được chính thức thông xe. Đại lộ Thăng Long chính là dự án mở rộng và hoàn thiện đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, được khởi công ngày 20.3.2005 với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng.

Đại lộ Thăng Long bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng và đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường quốc lộ 21A, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh. Đại lộ Thăng Long dài 28 km, có mặt cắt đường từ 140 - 170m, với 2 dải đường xe cao tốc, dải phân cách giữa, hệ thống đèn cao áp gồm 5 hàng chạy dài suốt tuyến, 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè, bảo đảm tốc độ xe chạy lên tới 120 km/giờ. Đường gom hai bên rộng, có mặt cắt 11,5m. Trên toàn tuyến có hơn 3 nút giao lập thể, 2 hầm cho xe chui qua (là trước cửa Trung tâm Hội nghị quốc gia và tại điểm giao cắt với đường sắt), 13 cầu qua kênh, sông, mương, 27 cầu chui dân sinh và 12 cầu vượt giao thông.

Đại lộ Thăng Long có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển khu vực phía tây thủ đô Hà Nội vì đây là con đường nằm ở vị trí đầu mối, nối đường Hồ Chí Minh với địa bàn thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh bạn. Đồng thời, sẽ là huyết mạch nối thủ đô Hà Nội với các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học ở khu vực Hòa Lạc. Đây cũng là con đường đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng thủ đô Hà Nội về phía tây và tây nam. Cũng chính vì tầm quan trọng này mà việc đặt tên cho con đường là vấn đề không đơn giản. Trong buổi họp chiều ngày 14.7.2010 của HĐND TP Hà Nội, việc đặt tên cho đường Láng - Hòa Lạc là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất. Sau nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi, các đại biểu HĐND TP mới đồng thuận, biểu quyết đặt tên đường này là Đại lộ Thăng Long.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên