Top

BĐS khách sạn: Ngọn lửa trong băng giá

Cập nhật 03/10/2011 08:40

Báo cáo mới nhất của CB Richard Ellis (Việt Nam) cho thấy, mặc dù thị trường BĐS Việt Nam đang chững lại nhưng phân khúc khách sạn ở Hà Nội và TP.HCM vẫn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về RevPar (doanh thu trên số lượng phòng có sẵn) trong ba năm vừa qua.

Theo ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels Châu Á Thái Bình Dương, tiềm năng cho đầu tư khách sạn ở khu vựccChâu Á Thái Bình Dương và ở Việt Nam là khá cao, đặc biệt dành cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự tăng trưởng dài hạn. “Phân khúc này đã hồi phục rất mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính với đa số các thành phố ở châu Á tăng trưởng RevPar ít nhất là 20% so với trước thời kỳ khủng hoảng”, ông McIntosh nhấn mạnh.

Sự tăng trưởng như vậy trong tình hình khủng hoảng toàn cầu cho thấy tiềm năng đầu tư vào phân khúc này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có sự khác biệt khá lớn trong hoạt động của các loại hình khách sạn, khu nghỉ dưỡng khác nhau; trong đó, khách sạn giá rẻ đang dẫn đầu về doanh thu không chỉ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương mà cả ở châu Âu.

Bất chấp thị trường BĐS đóng băng, loại hình BĐS khách sạn vẫn luôn nóng

Bình luận về nhận định này, ông Mauro Gasparotti, Quản lý cấp cao Bộ phận Tư vấn Khách sạn của CBRE Việt Nam đã chỉ ra rằng, với lãi suất cho vay tăng cao như hiện nay tại Việt Nam, thị trường khách sạn 3 sao tạo ra một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao và mở cánh cửa xâm nhập vào ngành công nghiệp nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, ông Gasparotti lưu ý, nhà đầu tư khách sạn giá rẻ cần nâng cao tiêu chuẩn cả về thiết kế và vận hành, mỗi mét vuông diện tích cần phải được tận dụng tốt nhất.

Bàn giải pháp về vốn cho đầu tư loại hình khách sạn giá rẻ, các chuyên gia nhận định, các nhà đầu tư trong nước hiện đang đặc biệt chú tâm về lĩnh vực kinh doanh này. Hiện tại Việt Nam có khá nhiều “cửa” có thể “hút” vốn cho phân khúc BĐS khách sạn, bao gồm các Quỹ tín thác bất động sản khách sạn, bán hoặc cho thuê lại và mô hình cho thuê truyền thống

Cách đây vài năm, tại TP.HCM cũng đã chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng khách sạn quy mô và xu hướng này dự báo sẽ tiếp diễn trong những năm tới. Đặc biệt, một số dự án khách sạn từ 3 đến 4 sao đang được các nhà đầu tư trong nước “rục rịch” triển khai. “Cái họ cần lúc này không phải là vốn, mà là năng lực quản lý nhằm đưa chất lượng phục vụ ngang tầm các nước trong khu vực”, một chuyên gia khẳng định.

Ngoài ra, một khía cạnh khác đang và sẽ tác động đến mô hình khách sạn ở Việt Nam đó là casino, đây cũng là loại hình ngày càng quan trọng trong khu vực. Việt Nam chắc chắn rằng sẽ cho phép kinh doanh casino vào thời điểm nào đó và đây có thể là loại hình mang đến lợi nhuận cao cho khách sạn miễn là được lên kế hoạch, thiết kế, vận hành và quảng bá thích hợp.

Theo ông McIntosh, phân khúc BĐS khách sạn có thể mang lại lợi ích đáng kể cho một danh mục đầu tư đa dạng vì ít tương quan với các tài sản khác như văn phòng và khu bán lẻ. Điều đáng lưu ý là hoạt động khách sạn thường không ổn định so với các loại hình BĐS thương mại khác. Đổi lại, chính vì rủi ro cao hơn mà các nhà đầu tư luôn tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo mức lợi nhuận cao hơn. Cụ thể, tỷ lệ lợi nhuận trong đầu tư khách sạn cao hơn từ 2 – 3% so với văn phòng và khu bán lẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc