Top

BĐS Hải Phòng lên giá "nhờ" tin đồn đễ đỡ bị thiệt

Cập nhật 13/03/2008 15:00

Đất Hải Phòng tăng không phải do nhu cầu, do chính sách thay đổi mà do giới kinh doanh bất động sản "thổi" tin đồn. Đã có không ít người vì thiếu thận trọng đã phải "ôm" giá cao, sau đó lại tiếp tục "nhân bản" nguồn tin nhằm tìm cơ hội bán lại cho đỡ thiệt.

Không giống như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, suốt thời gian dài, thị trường bất động sản (BĐS) tại Hải Phòng yên ắng vẫn là chủ yếu. Thế nhưng, thời gian gần đây, một số đất dự án bỗng nhiên tăng giá ở mức từ 2 - 4 triệu đồng/m2. Cá biệt có những khu vực giá tăng gấp đôi.

Sự bình lặng thị trường BĐS kéo dài cho đến đầu năm 2008 thì xuất hiện những "dư chấn" về giá đất mới. Thông tin từ một số nhà kinh doanh chuyên nghiệp cho biết khu đô thị Ngã Năm - Sân bay Cát Bi, đã có giá mới trên 20 triệu đồng/m2. Cũng khu này nhưng nếu đất thuộc quận Ngô Quyền, có nhiều vị trí được "chào" ở mức 33 - 38 triệu đồng/m2.

Tiếp theo là giá đất ở các quận mới được thành lập như Dương Kinh, Đồ Sơn, đất vẫn đang là ruộng nhưng đã giao dịch ở mức 2,5 - 3,5 triệu đồng/m2. Nếu có kèm theo sơ đồ quy hoạch quận mới (không biết họ lấy đâu ra) lô đất đẹp trên "sơ đồ" được chào bán với giá 6 - 7 triệu đồng/m2.

Những khu vực khác lập tức cũng có biến động. Các dự án nhà khu vực vùng ven đang ngâm trong tình trạng dang dở, hoang hoá bỗng xuất hiện bóng dáng nhân viên bảo vệ, nhân sự dự án lui tới thường xuyên hơn và giá đất cũng đã hô bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi giá trước đó.

Thâm nhập vào thị trường này chúng tôi nhận thấy, giá tăng chủ yếu phát ngôn từ người có đất, người hỏi thì do hiếu kỳ, tham khảo nhiều hơn là do có nhu cầu mua đất. Khi chúng tôi hỏi một chủ dự án khu vực quận mới Dương Kinh vì sao giá đất tăng thì người này chỉ trả lời chung chung: Đất quận thì đương nhiên phải khác với đất... huyện.

Một tay môi giới tỏ ra thạo tin hơn khi chứng minh bằng một loạt các dự án về mở mang đô thị, về cơ sở hạ tầng. Trong đó có cả thông tin về dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sắp đi qua đây. "Như vậy mà đất không tăng mới là lạ" - anh ta kết luận.

Cũng có những môi giới ra vẻ am tường về quy luật kinh tế đưa ra những lý do rất... vĩ mô. Đại để: Đồng đô la mất giá, chứng khoán điên đảo, giá dầu bất thường chứng tỏ nền kinh tế toàn cầu bất ổn. Nước mình là thành viên WTO rồi nên cũng bị tác động.

Trong bối cảnh như vậy đầu tư vào đất đai là ăn chắc nhất. Đáng chú ý là trước câu hỏi giá đất cao như vậy thì có đúng với giá trị thực của nó hay không? Hầu hết các nhà kinh doanh hay môi giới BĐS đều lảng tránh. Có người không trả lời thẳng, chỉ nói rằng: "Đến Chính phủ còn không tính được huống gì tôi".

Cho đến thời điểm này, ngày 10/3, theo ghi nhận liên tục của chúng tôi thì giá đất đã bắt đầu chững lại. Nói đúng hơn là không có nhiều giao dịch. Người mua thì ít nhưng giới môi giới, trung gian khai thác thông tin thì nhiều. Qua họ, giá đất lại một lần nữa đội lên kèm theo là những thông tin thổi phồng về tình hình đất đai, quy hoạch, các dự án trên trời tạo ra sức ép tâm lý đối với người thực sự có nhu cầu.

Đã không ít người mắc bẫy vì phải bỏ ra những khoản tiền rất lớn để mua mặt bằng vượt quá giá trị thật. Bằng chứng là ngay sau đó thông báo bán lại thì giá tụt thê thảm. Những trường hợp này thường chỉ tự an ủi mình: "Của mua là của được". Thế thôi.

Tình trạng đồn thổi để nâng giá đất không chỉ gây thiệt hại cho người có nhu cầu mà tác động rất xấu đến trật tự xã hội. Bằng chứng là một loạt các dự án trọng điểm quốc gia sắp sửa khởi công trên địa bàn Hải Phòng, chỉ vì giá đất bị đẩy lên vô căn cứ mà người dân nhất quyết không chấp nhận các hạng mức đền bù theo đúng quy định Nhà nước vì cho rằng giá quá thấp so với... "thực tế".

Đây là một thách thức đối với chính quyền địa phương. Muốn ổn định tình hình, vãn hồi tranh chấp về giải phóng mặt bằng, trước hết phải ổn định giá đất bằng những thông tin chính xác, rõ ràng và rộng mở

Theo Công An Nhân Dân