Top

BĐS cao cấp hạ mình xin làm nhà xã hội

Cập nhật 08/04/2013 08:10

Hàng loạt dự án nhà ở thương mại đã được chuyển hướng sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia nếu không quản lý chặt chẽ sẽ có thể chính sách bị lợi dụng và nguy cơ tồn kho nhà ở xã hội.

Mốt nhà xã hội

Nhà ở xã hội hiện nay như “chiếc phao cứu sinh” mà nhiều chủ đầu tư đang hướng đến để giải quyết khó khăn về tài chính trong tình trạng ế ẩm. Tuy nhiên, hầu hết dự án xin chuyển đổi mới đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Bộ Xây dựng cũng vừa chấp thuận cho dự án nhà ở thương mại khu nhà ở cao tầng Đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú, quận Hà chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội.Vinaconex 2 cho biết Công ty này đã có đề nghị được chuyển đổi một tòa chung cư cao tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn – Kim Lũ tại quận Hoàng Mai sang loại hình nhà ở xã hội. Công ty Sơn Hà cũng ý định xin chuyển đổi mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại Khu đô thị Kiến Hưng thành nhà ở xã hội.

Trước đó, nhiều chủ đầu tư cũng đã chuyển hướng sang nhà ở xã hội dự án Kiến Hưng (Hà Đông), Linh Đàm (Hoàng Mai), Nam An Khánh (Hoài Đức) do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư... Trong năm 2013, Hà Nội cho biết sẽ phấn đấu xây dựng, chuyển đổi khoảng 10 dự án nhà ở xã hội và ngay quý II, sẽ có khoảng từ 5 đến 6 dự án khởi công.

Trong khi đó tại TPHCM, làn sóng chuyển đổi cũng khá rầm rộ, nhiều dự án đua nhau xin được chuyển đổi với tổng số lên đến gần 10.000 căn hộ như khu nhà ở Việt Liên Á (Bình Chánh), khu dân cư Hưng Điền (quận 8), khu căn hộ 584 Tân Kiên (Bình Chánh)... Tính đến thời điểm này, đã có 12 chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại xin chuyển qua nhà ở xã hội, với tổng số 9.646 căn.


Ngay cả dự án khu căn hộ cao tầng 584 Bình Chánh (Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác CTGT 584 làm chủ đầu tư) đã được UBND TP cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang bệnh viện, nay cũng xin chuyển sang nhà ở xã hội.

Hiện, TP HCM có đến 279 dự án chậm triển khai với quy mô 2.740 ha đất, 84.000 căn hộ và 37 dự dán đang tạm dừng với quy mô 394 ha đất, 7.760 căn hộ. Hầu hết chủ đầu tư các dự án này đều mong mỏi được chuyển dự án của mình sang nhà ở xã hội.

Không dễ chuyển đổi

Việc chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội không phải là điều dễ dàng, hiện cả nước có khoảng 20 dự án có hồ sơ xin chuyển đổi, nhưng số dự án được chấp thuận là rất nhỏ.

Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn nhưng khi áp vào thực tế doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Theo quy định, đối với các trường hợp được điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ là những dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa triển khai thi công xây dựng hoặc đã được triển khai thi công nhưng cơ cấu căn hộ hoặc mục đích sử dụng nhà ở thương mại không phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đáng lưu ý, việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ (kể cả cao tầng và thấp tầng) mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng. Trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.

Theo GS Đặng Hùng Võ, việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội như phao cứu sinh với nhiều doanh nghiệp. Ông Võ cho rằng, cần phải quản lý chặt về giá nhà ở xã hội. Hà Nội đã từng có kinh nghiệm thực tế về việc nhà ở xã hội hoàn thành nhưng giá quá cao và những người được vào ở nhà ở xã hội đó thì không muốn vào, không đủ tiền vào. Có một nghịch lý là giá nhà ở xã hội lại cao hơn giá nhà ở thương mại giá rẻ. Nhà ở thương mại hiện nay đã xuống đến 10 triệu đồng/m2 trong khi giá nhà ở xã hội vẫn ở mức 13-14 triệu đồng/m2, rõ ràng là bất thường.


Ông Võ nhận định, trước đây các dự án nhà ở xã hội ít nhưng trong thời gian sắp tới cung sẽ tăng lên, nhà nước cần phải tính toán kỹ càng bởi nếu không lại xảy ra tình trạng nhà ở xã hội thì ê hề trên thị trường nhưng người dân không thể mua được. Do đó, việc phát triển các dự án căn hộ dạng này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo thống kê, Hà Nội đang có rất nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung, điển hình như, Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá 1 (Gia Lâm) có 946 căn hộ, mở bán từ tháng 5/2011 nhưng đến nay, sau 15 đợt mở bán vẫn chưa bán hết. Khu đô thị Đại Mỗ gồm 2 tòa nhà chung cư CT1 và CT2 gồm 124 căn hộ, diện tích từ 53- 69 m2 cũng nằm trong tình cảnh vắng người ở…

Theo ông Lê Xuân Trường, Giám đốc một doanh nghiệp BĐS nhận định, vấn đề lớn nhất mà thị trường BĐS cần là có thật nhiều sản phẩm với giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Và mọi doanh nghiệp tham gia vào thị trường đều nên được khuyến khích, taọ điều kiện để họ làm ra nhiều sản phẩm giá rẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo Vef