Thị trường bất động sản sụt giảm không chỉ khiến các nhà đầu tư nao núng mà cả các ngân hàng cũng đang ngồi trên đống lửa bởi thời gian thu nợ đang cận kề.
Theo báo cáo của NHNN, dư nợ cho vay BĐS chiếm trung bình khoảng 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tính đến 31.12. 2010, tổng dư nợ cho vay BĐS đạt 228,000 tỷ đồng, tăng 23.5% so với cùng kỳ năm 2009. Năm 2011, chủ trương của Chính phủ là kiềm chế lạm phát do đó thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có chứng khoán và bất động sản. Tăng trưởng tín dụng năm 2011 bị khống chế dưới 20% và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất đến 31.12.2011, tối đa là 16%.
Như vậy, chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời điểm các ngân hàng phải giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống mức 22% trên tổng dư nợ cho vay. Nhiều ngân hàng đang rốt ráo thu hồi các khoảng nợ và dừng cho vay, thậm chí cả với những khoảng vay nằm trong cam kết giải ngân. Điều này đang khiến cho người đi vay và chính các ngân hàng cũng gặp khó. Bởi, người vay tiền không bán được đất để trả nợ khiến giá bất động sản càng ngày càng tiếp tục sụt giảm mạnh. Còn ngân hàng đứng trước nguy cơ khó thu hồi nợ và khó cả phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Hơn một tháng nay, giới đầu tư bất động sản đã chứng khiến sự lao dốc giá đất nền. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thì sở dĩ có hiện tượng thị trường mất tính thanh khoản là do nguồn tín dụng từ phía ngân hàng đang bị khóa. Người mua thì không có tiền mua vì không thể tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng. Còn người bán thì lại càng không bán được vì không có người mua.
Ông Nguyễn Trọng Ký – Phó tổng giám đốc công ty Techcovina đưa ra lời giải thích, song hành với rủi ro của các nhà đầu tư trong đợt xuống giá mạnh của thị trường là các ngân hàng. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục sụt giảm mất tính thanh khoản thì không chỉ nhà đầu tư mà ngân hàng cũng chịu thiệt thòi do không bán được tài sản thế chấp để thu tiền về.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi – chuyên gia kinh tế cho rằng, phần lớn rủi ro sẽ tiềm ẩn ở các ngân hàng nhỏ do dư nợ cho vay phi sản xuất thường ở mức cao 40-50%. Nay các ngân hàng này phải đưa trở về mức 22% trong 1 tháng nữa là điều không dễ. Một số ngân hàng chọn phương án chạy đua lãi suất để tăng lượng vốn huy động tiền gửi, với mục đích tăng cho vay sản xuất để cân bằng tỷ lệ với phi sản xuất nhưng xem ra khó khả thi.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: