Top

Đề xuất bỏ công chứng, chứng thực trong giao dịch nhà ở:

Giảm phiền hà, tăng rủi ro

Cập nhật 31/05/2011 14:40

Mới đây, để tiếp tục thực hiện mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) Bộ Xây dựng đã gửi văn bản cho Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở với nội dung hầu hết các hợp đồng về nhà ở không cần qua thủ tục công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, đề xuất này được xem là không hợp lý vì "vênh" với nhiều luật khác và điều quan trọng là sẽ không bảo đảm yêu cầu pháp lý.

Nguy cơ rủi ro cao

Bỏ công chứng trong hợp đồng giao dịch nhà ở sẽ không bảo đảm yêu cầu pháp lý.

Đề xuất mới của Bộ Xây dựng là các loại hợp đồng mua, bán, thế chấp, tặng, cho, đổi nhà, thuê mua nhà ở và hợp đồng cho thuê nhà của tổ chức kinh doanh bất động sản, hợp đồng cho thuê nhà của cá nhân, hộ gia đình có thời hạn cho thuê dưới sáu tháng thì người dân không phải làm thủ tục công chứng, chứng thực. Theo Bộ Xây dựng, đây là cách đơn giản hóa TTHC vì các trường hợp mua, bán, tặng, cho, đổi nhà ở, khi làm thủ tục sang tên cho người được nhận nhà, cơ quan cấp giấy phải kiểm tra điều kiện, tính pháp lý của nhà đó. Cơ quan công chứng có kiểm tra điều kiện, tính pháp lý khi công chứng giữa các bên thì cơ quan cấp giấy cũng vẫn phải kiểm tra lại. Do đó, việc công chứng trên hợp đồng là… thừa. Còn khi thế chấp nhà đất để vay tiền thì người vay phải mang giấy chứng nhận giao cho ngân hàng và ngân hàng ghi nội dung vay tiền lên trang bốn của giấy đó. Vì vậy, cũng không cần công chứng hợp đồng vay tiền. Tương tự, Bộ Xây dựng cũng đề xuất các trường hợp không cần qua thủ tục công chứng như hợp đồng cho thuê nhà của cá nhân, hộ gia đình có thời hạn cho thuê dưới sáu tháng; hợp đồng cho thuê nhà của tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản…

Tuy nhiên, mục đích đơn giản TTHC của Bộ Xây dựng lại gây nhiều quan điểm trái chiều. Trước hết, đề xuất này liên quan đến Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng và hàng loạt văn bản pháp luật khác. Nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Xây dựng thì sẽ kéo theo phải sửa đổi từng đó luật và các văn bản pháp luật khác vì hầu hết đều quy định, các hợp đồng liên quan đến nhà ở bắt buộc phải có công chứng. Hơn nữa, việc không qua công chứng, chứng thực mà chỉ căn cứ vào giấy viết tay để bên mua, bên nhận tài sản đi làm thủ tục sang tên sẽ rất khó ngăn chặn được những vụ lừa đảo, tranh chấp. Theo công chứng viên Đào Anh Dũng, Trưởng VPCC Ba Đình, đề xuất bỏ công chứng, chứng thực với các thủ tục đó là chưa đánh giá đúng bản chất của vấn đề, chưa phù hợp với thực tế bởi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ này lại xuất phát từ những vướng mắc trong khâu thụ lý, giải quyết hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, chứ không phải cơ quan công chứng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, công chứng là "cổng gác pháp lý" cho Nhà nước quản lý và phòng ngừa các tranh chấp, là bằng chứng để giải quyết tranh chấp khi buộc các bên tham gia giao dịch phải xác nhận tính xác thực của hợp đồng, xác nhận trước luật pháp về địa vị, trách nhiệm pháp lý trong tham gia giao dịch của mình. Vì vậy, nếu bỏ công chứng, người dân tham gia giao dịch dễ gặp rủi ro cao, khả năng bùng phát tranh chấp lớn…

Đơn giản không… trúng

Đề xuất của Bộ Xây dựng là nhằm thực hiện việc đơn giản hóa TTHC theo Đề án 30 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Bộ Xây dựng đang nhìn nhận chưa đúng thực chất của vấn đề nên đề xuất đơn giản đưa ra chưa… trúng. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân chậm được nhận "giấy hồng", "sổ đỏ" trong thời gian qua không phải vì thủ tục công chứng, mà xuất phát từ những vướng mắc trong khâu thụ lý, giải quyết hồ sơ, hồ sơ yêu cầu quá nhiều loại giấy tờ, hướng dẫn không rõ ràng… Vì vậy, điều cốt lõi là cần phải có sự sửa đổi, cải tiến trong việc đăng ký nhà đất và cấp GCN QSDĐ. Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định: Đề xuất của Bộ Xây dựng không phù hợp và các lập luận là không thuyết phục. Bỏ công chứng bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch này sẽ không có gì bảo đảm tính xác thực và hợp pháp. Nếu có tranh chấp xảy ra, người dân không có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu bỏ công chứng, người dân sẽ tiết kiệm được một khoản tiền khi phải công chứng nhưng nếu tranh chấp xảy ra thì thiệt hại có thể sẽ rất lớn đối với các bên và chi phí Nhà nước, xã hội phải bỏ ra để giải quyết hậu quả là khó đong đếm được. Cũng theo bà Đỗ Hoàng Yến, qua 2 năm thi hành Luật Công chứng và phản ánh chung của nhân dân thì chủ trương xã hội hóa công chứng đã được xã hội đón nhận. Công chứng đã và đang được phát triển theo hướng "chuyên nghiệp hóa", hầu hết các yêu cầu công chứng đều được giải quyết nhanh chóng, người dân không phải chờ đợi… nên nói người dân phàn nàn về công chứng là không có cơ sở. Bởi vậy, bà Yến khẳng định đề xuất của Bộ Xây dựng không được Bộ Tư pháp đồng tình.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới