Thị trường bất động sản trên đà phục hồi, các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các dự án nhà ở thương mại để thu lợi, các dự án nhà ở xã hội dần bị “lãng quên”.
Ảnh minh họa.
|
Khi bất động sản trong giai đoạn khủng hoảng, các doanh nghiệp thi nhau chuyển dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để giải quyết hàng tồn kho. Nhà ở xã hội lúc đó được xem là một giải pháp giải cứu thị trường. Tuy nhiên, đến nay các dự án nhà ở xã hội dường như không còn hấp dẫn với nhà đầu tư.
Lợi nhuận thấp, thủ tục rườm ra, nhiêu khê… khiến doanh nghiệp nản lòng với nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng nhu cầu nhà ở xã hội nhiều nhưng nguồn cung lại ít.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, ngoài lợi nhuận thấp thì thủ tục hành chính nhiêu khê là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội. Bằng chứng là hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xin rút dự án của mình ra khỏi chương trình nhà ở xã hội.
Một doanh nghiệp bất động sản ở TP HCM phân trần, lợi nhuận đầu tư nhà ở xã hội theo quy định không quá 10%, do đó lợi nhuận thực tế của nhà đầu tư còn thấp hơn số này, nhiều trường hợp còn bị lỗ. Ngoài các thủ tục chuyển đổi phức tạp, theo quy định, dự án nhà ở xã hội phải được kiểm toán nên một số chi phí thực của doanh nghiệp đã bỏ ra nhưng không được tính đúng, tính đủ. Đó là những lý do doanh nghiệp ngại làm các dự án nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã nhận định, nguyên nhân việc phát triển nhà ở xã hội còn chậm là do đòi hỏi chất lượng tốt nhưng giá phải rẻ nên không thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa ngân sách hạn chế, vì vậy khó thu hút doanh nghiệp đầu tư cho phân khúc này.
Cùng với việc phát triển nhà ở xã hội là vấn đề giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, gói tín dụng hỗ trợ cho thị trường bất động sản nói chung cũng như các dự án nhà ở xã hội nói riêng đến nay chưa phát huy hết hiệu quả vì cả doanh nghiệp và người dân đều khó tiếp cận.
Tính đến ngày 15/9, TP HCM mới giải ngân được hơn 2.500 tỷ đồng từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Cụ thể, cho cá nhân vay khoảng 1.921 tỷ đồng và cho 5 doanh nghiệp vay khoảng 641 tỷ đồng.
Trước tình hình giải ngân chậm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành gia hạn thêm thời gian giải ngân gói hỗ trợ này thay vì kết thúc vào ngày 31/5/2016 theo kế hoạch, đồng thời tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để nhiều người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp có thêm cơ hội tiếp cận với vốn vay mua nhà lãi suất thấp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.
DiaOcOnline.vn - Theo Petrotimes
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: