Top

Bất động sản phía Đông Hà Nội có “sốt giá“ nhờ Hà Nội xây thêm cầu?

Cập nhật 30/09/2017 09:29

Theo CBRE, Hà Nội chủ trương công bố kế hoạch xây dựng thêm nhiều cầu mới qua sông Hồng và sông Đuống có thể tác động đến giá nhà đất Hà Nội.

Tại cuộc họp báo Quý 3 của CBRE vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE Hà Nội, dự báo rằng chủ trương xây thêm nhiều cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống sẽ tăng kết nối giao thông trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận, có thể sẽ tác động làm sôi động hơn thị trường bất động sản các vùng đó, đặc biệt là khu phía Đông Hà Nội.

Cơ hội đi kèm rủi ro

Theo phân tích của bà An, khi có cơ sở hạ tầng mới kết nối giữa 2 bờ sông, quận Long Biên vốn có vị trí rất gần với trung tâm Hà Nội thì rất có khả năng trở thành khu dân cư mới, trung tâm bất động sản mới, hoàn toàn có cơ sở để Long Biên có những dự án có chất lượng tốt hơn, tiện ích tốt hơn.


Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được xây dựng cạnh cầu hiện tại, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.(Ảnh minh họa: KT)

Hiện tại, theo đánh giá của CBRE, hạ tầng khu vực phía Đông Hà Nội, như Long Biên, cũng tốt rồi. Nhưng nếu có thêm những kết nối khác để tránh tình trạng tắc đường thì chắc chắn giá trị bất động sản tại Long Biên sẽ tăng.

Tuy nhiên, đại diện CBRE Hà Nội cũng thừa nhận, "dù bất động sản phía Đông giàu tiềm năng, nhưng không ai có thể dự báo được trong một khoảng thời gian cụ thể thì giá bất động sản khu vực này sẽ tăng như thế nào. Nhưng, nếu nhìn vào những con số thống kê trong quá khứ thì có thể biết được tăng bao nhiêu là hợp lý, ổn định. Ví dụ thị trường ổn định, trong một năm, giá có thể tăng từ 3 – 5%, tốt hơn thì sẽ còn cao hơn. Còn nếu kì vọng tăng tới 10% đến 15% trong vòng nửa năm hoặc 1 năm thì rất khó".

Vì vậy, đối với những ai có chủ trương đầu tư bất động sản khu vực này, bà An cho rằng, cũng cần thận trọng. Bởi nếu may mắn thì không sao nhưng không may thì nhiều rủi ro có thể xảy ra. "Với nhà đầu tư, chớp thời cơ nhanh hơn, khi gặp may thì lợi nhuận càng nhiều, nhưng rủi ro cũng càng cao. Đặc biệt là những cơ hội mang lại lợi ích đầu tư từ thị trường không phải luôn dành cho mọi người"- bà An lưu ý.

Giàu tiềm năng, nhưng không dễ hiện thực hóa

Đánh giá thị trường bất động sản Hà Nội hiện tại, bà Nguyễn Hoài An cho hay, khảo sát của CBRE cho thấy, vẫn đang phát triển rất mạnh sang khu Tây (Cầu giấy, Từ Liêm), nhất từ khi cầu Nhật Tân và đường Võ Chí Công hoàn thành, thị trường có phát triển lan sang khu Tây Bắc. Còn phía Tây Nam vốn đã có nhiều trục giao thông kết nối trung tâm sang Hà Đông nên 7 năm qua (kể từ khi Hà Nội mở rộng) đã hình thành rõ hàng loạt dự án phát triển khu vực trục này.

So sánh toàn thị trường Hà Nội, CBRE cho rằng, hiện khu phía Đông thành phố có nguồn cung bất động sản nhà ở vẫn khá thấp so với khu phía Tây. Do đó, nếu hạ tầng mới được cải thiện tốt hơn, nguồn cung khu phía Đông có thể sẽ tăng nhanh, đặc biệt là tâm lý người dân sẽ giảm ngại phải "qua cầu" sang sông để đi lại giữa trung tâm với các quận, huyện lân cận. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu bất động sản phía Đông tăng lên.

Bình luận thêm về tác động của các dự án xây cầu nêu trên, bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc CBRE Hà Nội, cho rằng: Thị trường bất động sản phát triển hay không có yếu tố tác động rất lớn từ chính sách của Chính phủ. Đơn cử, trước đây khi Chính phủ có chủ trương chuyển nhiều cơ quan nhà nước, trụ sở bộ ngành, trường học... ra ngoại thành, đặc biệt là phía Tây thành phố. Khi đó bất động sản phía Tây đã "lên cơn sốt".

Bên cạnh chính sách thì theo bà Trang, độ hấp dẫn của phân khúc thị trường còn phụ thuộc vào những cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích cho cuộc sống (trường, trạm, chợ...).

Do vậy, "nếu phát triển hội đủ 3 yếu tố (chính sách, hạ tầng, tiện ích) đó thì bất động sản khu phía Đông thành phố rất có tiềm năng phát triển không kém phía Tây. Tuy nhiên, chủ trương thì có rồi, ví dụ việc xây dựng các cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống, nhưng vấn đề là khi nào dự án thực sự hoàn thành. Cho nên, tác động của 3 yếu tố này đến thị trường bất động sản trong thực tế phải chờ thời gian trả lời"- bà Trang nhấn mạnh.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn từ 2016 - 2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống đoạn trên địa bàn Hà Nội.

Đáng lưu ý là hiện UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện 5 dự án xây dựng các dự án này bao gồm: Cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dự kiến hoàn thành năm 2021; Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến hoàn thành vào năm 2021; Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng dự kiến hoàn thành năm 2019; Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu; Xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020.

Các dự án này được đánh giá sẽ tăng kết nối giao thông giữa trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận; đặc biệt cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Giang Biên, cầu Trần Hưng Đạo... sẽ tăng kết nối trung tâm Thủ đô khu vực phía Đông Hà Nội, giúp giảm áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.


DiaOcOnlinbe.vn - Theo VOV