Top

Bất động sản "nóng" do đầu cơ

Cập nhật 18/07/2009 10:30

Một phần thị trường BĐS thời gian qua vẫn bị giới đầu cơ lũng đoạn. Ảnh: Đình Sơn.

Sau một thời gian dài “ngủ đông”, thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu ấm dần lên. Tuy nhiên, giá bất động sản tại Việt Nam vẫn cao và theo các nhà quản lý, chuyên gia, sự "hào hứng" hơi thái quá của thị trường thời gian qua có sự tiếp tay của giới đầu cơ.

Thông tin được đưa ra tại buổi giao lưu “Thị trường BĐS hậu khủng hoảng” do Cục Đầu tư nước ngoài, Hiệp hội BĐS Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 17/7, tại TP HCM.

Tiền đổ vào BĐS tăng đột biến

Theo ông Bùi Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH - ĐT), thị trường BĐS còn khá “lình xình”. Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam, sẵn sàng đầu tư vào dự án lớn có vốn đầu tư hàng tỷ USD, như: dự án Khu du lịch nghỉ mát đa năng Sài Gòn Atlantis Hotel của Công ty TNHH Winvest Investment tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư lên tới trên 3,8 tỷ USD, Tập đoàn Sovico Holdings đầu tư 54 triệu USD để triển khai dự án Ariyana Villas và Spa tại thành phố Đà Nẵng...

“Thị trường nhà đất cũng có dấu hiệu “nóng” lên”, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhận định. Bắt đầu từ những dự án có tiến độ hoàn thành nhanh như các dự án dọc theo trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội), các dự án ở khu quận 2, 7 (TP HCM)…, sức nóng lan sang các dự án khác, trong đó, có cả dự án mà tiến độ triển khai chậm hơn so với công bố.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc BĐS ấm lên trong thời gian qua chủ yếu là do nguồn tiền tăng đột biến khi tháng 5, 6 cũng là thời điểm tiền đáo hạn được rút từ hệ thống ngân hàng sau một năm gửi với lãi suất từ 18% đến 20% một năm.

Mặt khác, thời gian qua, lượng người lao động từ nước ngoài về nước nhiều và đã đầu tư vào BĐS. Nguồn cung BĐS trong thời điểm đó bị bó hẹp, do chủ đầu không phải chịu sức ép về vốn lớn như trước đây nên thay vì “xả” hàng thì lại có xu hướng găm hàng để tối đa hóa lợi nhuận.

Mua nhà đắt gấp ba lần giá trị thật

Thời gian tới, giá BĐS có thể vẫn duy trì ở mức cao do các nguyên nhân như nguồn cung chưa được cải thiện, tâm lý lo ngại tiền mất giá… Tuy nhiên, không phải giá BĐS tại tất cả dự án đều tăng mà rất có thể giá sẽ tụt mạnh ở các dự án có tính khả thi kém hoặc đã bị giới đầu cơ đẩy lên quá cao trước đó.

“Thực tế là người dân hiện phải trả tiền gấp 2, 3 lần giá trị thật của ngôi nhà, căn hộ họ mua. Có khi họ mua nhà giá 25 triệu đồng một m2 nhưng giá gốc chỉ chưa đến 10 triệu đồng”, ông Nguyễn Đỗ Việt, Chánh văn phòng Tập đoàn Nam Cường nói.

Cùng quan điểm này, ông Yip Hoong Mun, Trưởng đại diện Công ty CapitaLand (Vietnam) Holding Pte. Ltd., cho rằng: “Vì khoảng cách cung cầu ở Việt Nam khá xa nhau nên giá trị BĐS Việt Nam thường cao hơn so với những nước khác”.

“Tôi cho rằng đây là sự hào hứng hơi thái quá của thị trường, trong đó có sự tiếp tay của giới đầu cơ. Sự ấm lên vẫn tiếp tục từ nay đến cuối năm, nhưng sẽ không có “sốt” đột biến như một số người nhận định. Khách hàng sẽ sàng lọc kỹ càng hơn trước khi ra quyết định đầu tư, tập trung vào các dự án có quy hoạch tổng thể, có sự phát triển hạ tầng đồng bộ tại các khu vực quận Hà Đông (Hà Nội), quận 2, 7, 9 (TP HCM)”, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Minh, nhận định.

 

Ông Nathan Cumberlidge, Giám đốc Kỹ thuật bộ phận Nghiên cứu và Định giá, Tập đoàn tư vấn BĐS Colliers International, dự báo: “Hiện giá của thị trường sơ cấp và thứ cấp đang giảm. Tới đây, khi nhiều dự án hoàn thành giúp nguồn cung dồi dào hơn, từ đó lợi nhuận thu về từ BĐS sẽ không tăng”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2009, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào BĐS là 1,56 tỷ USD, nhiều thứ hai sau lĩnh vực lưu trú và ăn uống (4,5 tỷ USD).

Ông David Blackhall, Phó giám đốc phụ trách về BĐS, Quỹ đầu tư VinaCapital cảnh báo: “Thị trường vẫn có nguy cơ trở lại tình trạng đóng băng như năm 2008 nếu lạm phát cao trở lại và các ngân hàng, vì lý do nào đó, nên dừng việc cho vay đầu tư và mua BĐS”.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt