Top

Bất động sản niêm yết “hút” cả nhà đầu tư nội và ngoại

Cập nhật 17/08/2014 06:54

Khối nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường đầu tư vào các công ty bất động sản niêm yết hơn là mua mới các tài sản hữu hình. Bên cạnh đó, nhiều DN nội bắt đầu tham gia tìm kiếm dự án bất động sản, thay vì “nhường sân” cho các DN ngoại như 2 năm trước.

NBB, KDH, NLG, NVT, SII có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 43 - 49%

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản từ năm 2013 đến quý I/2014 có 63% sự tham gia của bên nước ngoài và 37% là giữa các công ty trong nước. Xét trong khu vực giao dịch có sự tham gia của NĐT ngoại, 73% là những NĐT đã ở Việt Nam lâu năm, 27% còn lại là NĐT mới.

Trong số 73 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên hai sàn có 61 doanh nghiệp (84%) có sở hữu nước ngoài và 15 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài chiếm hơn 20% vốn điều lệ. Trong đó, 5 doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài trên 40% bao gồm: Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) và Hạ tầng nước Sài Gòn (cùng có tỷ lệ tối đa 49%); Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (48,3%); Đầu tư Nam Long (48,49%); CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (43%). Đây cũng là lý do vì sao thanh khoản của những cổ phiếu này khá thấp, do NĐT nước ngoài nắm giữ tỷ lệ lớn và là NĐT chiến lược nên lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường không nhiều.

Nổi bật trong đầu năm 2014 là NLG, Công ty được khối ngoại liên tục tăng tỷ lệ đầu tư, đặc biệt là sự tham gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 7,3%.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc NLG chia sẻ, NLG chọn đối tác nước ngoài có thể giúp Công ty trong định hướng phát triển. Chẳng hạn, NLG đã làm việc với IFC trong thời gian dài, khoảng 18 tháng, không phải vì số tiền họ mang đến cho NLG, xấp xỉ 7,5 triệu USD. Quan trọng hơn, quy trình đầu tư của IFC rất khắt khe, nhiều yêu cầu cần được đáp ứng. Hợp tác với IFC, tức NLG đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.

“Chúng tôi muốn tham gia vào quy trình này để thể hiện đẳng cấp”, ông Trân nói.

Khi đã đáp ứng được yêu cầu của IFC, các NĐT nước ngoài khác có niềm tin hơn vào NLG và dễ dàng đầu tư vào Công ty hơn. Ngoài ra, NLG có thể vay vốn với lãi suất tốt hơn, vì NLG đã vượt qua đánh giá của IFC theo đúng quy trình minh bạch, có quản trị tốt. Nếu lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản trước đây từ 14 - 16%/năm, thì vừa qua, NLG đã phát hành trái phiếu thành công với lãi suất 10%/năm.

Một xu hướng mới từ năm 2013 đến nay đó là các doanh nghiệp nội bắt đầu săn tìm dự án bất động sản và các sàn giao dịch trở thành chủ đầu tư dự án để tận dụng hệ thống phân phối của mình. Đây là một lợi thế của các sàn giao dịch, bởi họ tiếp cận khách hàng thường xuyên và hiểu được nhu cầu của khách hàng nhất nên sẽ biết cách để phát triển dòng sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, Tập đoàn Đất Xanh mua lại Dự án Water Garden của PPI, Tập đoàn Novaland mua lại dự án của một số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về nguồn vốn.

Hay như NLG đang trong quá trình tìm kiếm dự án ở các khu vực ven trung tâm TP. HCM như Quận 2, Quận 9... để bổ sung cho quỹ đất phát triển dòng căn hộ Ehome. Đặc biệt, với những doanh nghiệp đã có lợi thế với quy trình khép kín từ xây dựng đến phân phối như NLG trong dòng sản phẩm Ehome, thì doanh nghiệp càng “kiên trì” với chiến lược đề ra. Đến nay, có thể dễ dàng nhìn thấy thành quả, NLG đạt kết quả bán hàng tốt, dù thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ ràng.

Theo ông Trân, NLG đang chuẩn bị và sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới. Một quy trình phát triển dài hạn dự án bất động sản của doanh nghiệp Việt Nam có thể mất 15 - 20 năm, nhưng khi có sự hỗ trợ vốn từ NĐT nước ngoài, quy trình này có thể rút ngắn xuống còn 10 năm. Tại NLG, nhiều NĐT Nhật Bản muốn đầu tư vào các dự án, thay vì chỉ mua cổ phiếu như giai đoạn 2012 - 2013. Không chỉ NĐT Nhật Bản, mà nhiều NĐT nước ngoài khác hiện cũng quan tâm tới các dự án nhiều hơn.

“Đây là tín hiệu tốt cho thị trường”, ông Trân nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản