Hàng loạt các dự án BĐS nghỉ dưỡng dọc các bờ biển Quảng Ninh, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Phú Quốc đang hút lượng tiền lớn từ Hà Nội và TPHCM. Giới thiệu về các dự án này, các chủ đầu tư đều cam kết mức thuê lại Condotel lên tới 8 đến hơn 10%. Tuy nhiên, vẫn có hàng loạt các rủi ro chờ những dòng tiền đổ về, đặc biệt là các rủi ro pháp lý phát sinh từ việc gom đất làm dự án của các chủ đầu tư.
BĐS nghỉ dưỡng đang gây sốt trên thị trường nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
|
Tại Đà Nẵng, địa điểm bùng nổ về bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, khách quốc tế đến Đà Nẵng trong quý II vừa qua tăng 29,7%, đạt 795.646 lượt. Đà Nẵng cũng đang có tốc độ phát triển không ngừng với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 7,1% cao hơn mức trung bình cả nước là 5,5%. Tương tự Đà Nẵng, Tại một số điểm như Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, BĐS nghỉ dưỡng có tốc độ tăng trưởng có những năm đến 15 -20%.Đây là cơ hội lớn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng (biệt thự và condotel - căn hộ khách sạn), thời gian qua, nhiều dự án lớn liên quan đến phân khúc này đã được triển khai, thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Chỉ cần có khoản vốn khoảng 3 tỉ đồng, với sự hợp tác của các ngân hàng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đầu tư một căn biệt thự nghỉ dưỡng, condotel trị giá 10 tỉ đồng để kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - hình thức BĐS nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh. Ông Nam lý giải, Việt Nam là đất nước nằm trong vùng nhiệt đới, có chiều dài bờ biến dài 3000km, có nhiều bãi biển đẹp nhất thế giới và nước biển ấm thì việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng là điều tất yếu.Ngoài ra, ông Nam cho rằng BĐS nghỉ dưỡng của VN đang rất thành công, do đó, nên tạo thành chuỗi kinh doanh dịch vụ cao cấp, chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu.
Thống kê từ các dữ liệu nghiên cứu thị trường BĐS nghỉ dưỡng cho thấy, mức lợi nhuận cam kết cho người mua tối thiểu 10 - 15%/năm (cố định trong 10 năm) của một số dự án BĐS nghỉ dưỡng đang thu hút sự quan tâm của giới trung lưu thành thị. Tuy nhiên BĐS nghỉ dưỡng cũng cho thấy bất kỳ món đầu tư nào cũng đi kèm những rủi ro, đầu tư càng nhiều thì rủi ro càng lớn. Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT) cho biết, hiện các dự án BĐS nghỉ dưỡng dọc các bờ biển, có trường hợp nhà đầu tư gom đất nông nghiệp của người dân rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án. Với những dự án này, rủi ro cho người mua rất cao, nếu hồ sơ pháp lý không rõ ràng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không thành công, bất động sản đó không được công nhận và pháp luật bảo vệ. Theo Vụ trưởng đến từ Bộ TNMT, trường hợp nhà đầu tư được giao đất hoặc thuê đất của Nhà nước làm dự án thì cũng cần phân biệt rõ là thuê đất trả tiền hằng năm hay giao đất nộp tiền sử dụng đất 1 lần. Với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm, nhà đầu tư không có quyền chuyển quyền sử dụng đất, tức là người mua không có sổ đỏ.
“Việc sử dụng đất để thực hiện các dự án bất động sản nghỉ dưỡng phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, UBND cấp có thẩm quyền mới được cho thuê đất để thực hiện dự án. Người mua có sổ đỏ hay không có sổ đỏ phụ thuộc vào vấn đề này”, bà Vân Anh nói.
Theo LS LS Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM) để tránh rủi ro pháp lý, người mua cần xem xét kỹ đối với đất của BĐS nghỉ dưỡng dự định mua phải là đất ở dưới hình thức giao đất (thường thời hạn giao không quá 50 năm) cho chủ đầu tư thì người mua mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được ngân hàng chấp nhận là tài sản đảm bảo. Người mua nên xem xét kỹ bất động sản tại dự án đất thương mại dịch vụ (đất phi nông nghiệp) với hình thức đất thuê (thường với thời hạn thuê không quá 50 năm). Những trường hợp này không được cấp giấy chứng nhận sở hữu và không được ngân hàng chấp nhận làm tài sản đảm bảo.
Mặt khác, sau khi bán hết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, chủ đầu tư chỉ đóng vai trò là một bên thuê lại để khai thác. Trong khi đó, nguồn thu từ việc cho thuê phụ thuộc vào nguồn khai thác khách du lịch của đơn vị quản lý khai thác du lịch chuyên nghiệp mới có thể đảm bảo khoản đầu tư lâu dài.
Ngoài ra, theo LS Phượng, ngay việc chuyển nhượng những bất động sản du lịch cũng không đơn giản như chuyển nhượng nhà đất thông thường. Đơn cử, trong Quy chế quản lý việc chuyển đổi đất du lịch sang đất ở để xây dựng biệt thự du lịch trên địa bàn đảo Phú Quốc, ban hành ngày 26.10.2015, có nêu rõ: Khi chuyển nhượng đất ở gắn với biệt thự du lịch cho tổ chức, cá nhân khác, phải thông báo trước bằng văn bản cho chủ đầu tư dự án phát triển du lịch và Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: