Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT – NHNN. Trong đó, Dự thảo dự kiến thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40%.
Bình luận về động thái trên, TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, với việc nâng hệ số rủi ro từ 150% như hiện nay lên 250%, các ngân hàng sẽ phải trích tiền vào quỹ dự phòng rủi ro cao hơn, đồng nghĩa số tiền cho vay ra giảm đi. Đây là động thái tiết giảm luồng tiền cho vay với thị trường bất động sản trong điều kiện tín dụng bất động sản năm 2015 đã tăng lên đến gần 20% và mặt bằng lãi suất huy động dưới 12 tháng cũng có xu hướng tăng lên.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp triển khai kế hoạch 2016 của ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM cuối tháng 1/2016, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, thời gian qua, đã có nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản. “Điều đáng lo là, nhiều ngân hàng đã bỏ ‘trứng’ vào một ‘giỏ’, chứ không phải một ngân hàng bỏ trứng vào một giỏ. Do đó, cần kiểm soát rủi ro chặt chẽ, nếu không sẽ sớm lặp lại tình trạng nợ xấu bất động sản gia tăng”, ông Thanh nói và cho rằng, cần khuyến khích, tăng cường cho vay nhỏ, lẻ, phân tán để hạn chế rủi ro.
Đã đến lúc thị trường bất động sản cần những phương thức đầu tư, công cụ tài chính mới
|
Trong năm 2015, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng trưởng cao hơn những năm trước. Theo Vụ Tín dụng (NHNN), hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với con số cách đây 3 năm (năm 2012) khoảng 197.000 tỷ đồng, thì các ngân hàng đã “bơm” thêm vào lĩnh vực địa ốc 163.000 tỷ đồng, tăng 80%.
Tín dụng bất động sản đang có xu hướng tăng cao khi ngân hàng rộng cửa cho vay, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bong bóng bất động sản. Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng nhận định, sự phục hồi của bất động sản là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường này và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.
Liên quan đến việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT – NHNN, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nếu sửa đổi theo hướng nêu trên, thì có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Cụ thể, điều này sẽ tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản (sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang). Đặc biệt, trên thực tế, thay đổi có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng là những người có thu nhập thấp và đến các ngành, nghề có liên quan đến thị trường bất động sản...
Theo TS. Trần Kim Chung, đã đến lúc thị trường bất động sản cần những phương thức đầu tư, công cụ tài chính mới như timeshare, tái thế chấp, quỹ tiết kiệm - những hình thức mà chỉ những chủ thể có kinh nghiệm và năng lực mới có thể triển khai.
“Ngoài tín dụng, sự tăng giảm của thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là các hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa ký kết như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và cả Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được hình thành. Các nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội khi một luồng vốn lớn sẽ chảy vào bất động sản Việt Nam”, ông Chung cho nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: