Tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục ổn định, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn FDI (chiếm 19,3% tổng nguồn vốn), giúp lượng tiêu thụ thép xây dựng của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đạt 3,57 triệu tấn, tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa.
|
Hiện cả nước có 1.068 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 6,92 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm trước; 341 lượt dự án đã đăng ký tăng vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 8,8 tỷ USD.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 15 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn vốn FDI.
Trong tháng 7/2015, sản lượng sắt thép thô ước đạt 380,3 nghìn tấn, tăng 13,5%, sản lượng thép cán ước đạt 360,1 nghìn tấn, tăng 22,5%; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 331,8 nghìn tấn, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Giá các loại nguyên liệu để sản xuất thép tiếp tục có xu hướng giảm, đặc biệt giá giao dịch thép phế liệu, phôi thép cuối tháng 7/2015 giảm sâu so với các tháng trước đó. Thép phế liệu cũng có mức giảm lên tới 45 USD/tấn so với cuối tháng 6/2015. Giá phôi nhập khẩu giảm khoảng 30 - 35 USD/tấn CFR Việt Nam.
Nhập khẩu thép các loại từ các thị trường trong tháng 7 tăng 74,3% về lượng và 19,8% về trị giá so với cùng kỳ. Tính tổng 7 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép các loại tăng 44,8% về lượng và 15,1% về trị giá; nhập khẩu sản phẩm từ thép tăng 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2015, sản lượng sản xuất thép xây dựng đạt 3.646.204 tấn, tăng 28,2%, lượng hàng bán ra của thép xây dựng của các thành viên VSA là 3.577.163 tấn, tăng 21,9% so với cùng kỳ 2014. Đây là mức tăng cao so với mức tăng trưởng bình quân của sản phẩm này trong những năm gần đây.
Đối với sản xuất ống thép của các thành viên VSA đạt 784.657 tấn (tăng 30%), lượng bán hàng đạt 793,683 tấn tăng 34,5%. Trong khi, xuất khẩu ống thép đạt 92.306 tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy có nhiều thuận lợi, các nhà sản xuất thép trong nước tiếp tục đối mặt với không ít thách thức trước sức ép thép xuất khẩu giá rẻ và từ nguồn cung dư thừa từ các nhà sản xuất Trung Quốc với chiến lược tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng sắt thép các loại từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay là 4,1 triệu tấn, tăng mạnh đến 77,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến hai phần ba tổng lượng sắt thép nhập khẩu (6,9 triệu tấn) sáu tháng đầu năm.
Theo VSA, gần đây, nhiều nhà sản xuất thép và phôi thép trong nước liên tục than thở về tình trạng lượng phôi thép giá rẻ Trung Quốc nhập về Việt Nam cao bất thường. Giá phôi thép Trung Quốc rẻ đã khiến một số nhà máy luyện phôi trong nước rục rịch chuyển hướng làm ăn, từ nhập thép phế liệu về luyện phôi chuyển sang nhập phôi từ Trung Quốc cán ra thép thành phẩm bán ra thị trường, tính ra lợi nhuận cao hơn trước. Trong khi đó, những nhà sản xuất sử dụng phôi thép trong nước cũng đang vất vả cạnh tranh với thép cán từ phôi thép giá rẻ của Trung Quốc, hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy thép bị xáo trộn, có doanh nghiệp buộc phải giảm sản xuất xuống chỉ còn một phần ba công suất thiết kế.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: