Top

Loay hoay phí dịch vụ chung cư

Cập nhật 07/08/2012 08:35

Ban hành chưa được một năm, trần phí dịch vụ nhà chung cư ở Hà Nội đã bị vô hiệu hóa. Do mức trần này chỉ có thể áp dụng với một nhóm dịch vụ cụ thể nên không thể xem là căn cứ pháp lý khi xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý các tòa nhà với người dân về phí dịch vụ.


Chưa biết tới bao giờ mới chấm dứt những vụ tranh chấp phí dịch vụ chung cư (Trong ảnh: Cư dân tòa nhà Keangnam trong giai đoạn “căng thẳng” với chủ đầu tư về phí dịch vụ)

Hiểu sai giá trần

Cuối tháng 9-2011, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư, với mức cao nhất là 4.000 đồng/m2 và thấp nhất là 2.400 đồng/m2. Để ban hành được giá trần, TP Hà Nội đã phải nghiên cứu, khảo sát mất 2 năm. Tuy nhiên, sau gần 1 năm áp dụng, TP Hà Nội thừa nhận, quy định cứng khung giá 2.400đồng/m2 tới 4.000 đồng/m2 là “chưa phù hợp với thực tiễn quản lý”. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng nói: “Tính chất của dịch vụ nhà chung cư rất đa dạng về tần suất, chất lượng và phụ thuộc vào đặc điểm của từng dự án nên không thể xây dựng được tất cả các loại dịch vụ. Mặt khác, quan hệ giữa người sử dụng và bên cung cấp dịch vụ là quan hệ dân sự, giao dịch theo thỏa thuận nên việc Nhà nước quy định cứng là chưa ổn”.

Đáng chú ý, dù văn bản của thành phố có nêu các dịch vụ chưa có trong bảng giá thì người sử dụng và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau theo quy định, song trong thực tế, nhiều bên đã cố tình hiểu sai nội dung này. Nhiều người cho rằng, giá cao nhất được thu đối với dịch vụ nhà chung cư là mức trần 4.000 đồng/m2 và quy định về giá dịch vụ là bắt buộc áp dụng. Do đó, sau khi có giá trần, Hà Nội vẫn xảy ra nhiều vụ tranh chấp trong quá trình sử dụng dịch vụ nhà chung cư.

Về vấn đề này, Sở Xây dựng thừa nhận, một số dự án đã phát sinh mâu thuẫn do “chưa thống nhất về giá và chất lượng cung cấp các dịch vụ nhà chung cư giữa một số hộ dân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà”. Một dạng phổ biến khác là tranh chấp quyền quản lý sử dụng tầng hầm hoặc tầng 1 và tầng mái gây ra mất ổn định trật tự, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt bình thường của các hộ dân. Đã vậy, không ít chủ đầu tư đã ngang ngược, tự ý tăng giá dịch vụ khi chưa thỏa thuận với đại diện các hộ dân hoặc ngừng cung cấp các tiện ích tối thiểu như dừng thang máy, ngừng cung cấp điện nước, tăng phí trông giữ ô tô... nên càng gây bức xúc lớn. Có thể nêu ra hàng loạt ví dụ điển hình tại chung cư Keangnam (đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm), chung cư Golden Westlake (151 Thụy Khuê, quận Tây Hồ), chung cư The Manor (Từ Liêm)...

Lại chờ bổ sung, sửa đổi

Không riêng gì trần phí dịch vụ, nhiều quy định khác về quản lý nhà chung cư đang bị chê là lỗi thời. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành có những nội dung quy định còn bất cập. Cụ thể, mô hình quản lý nhà chung cư chưa rõ, chồng chéo giữa quyền hạn và trách nhiệm của chủ đầu tư với quyền hạn và trách nhiệm của Ban quản trị. Đặc biệt, tuy có khái niệm về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng trong nhà chung cư nhưng lại thiếu hướng dẫn về phương pháp xác định. Có quy định về mức thu kinh phí quản lý vận hành nhưng mức thu kinh phí bảo trì khó thực hiện trong thực tế... Hệ quả là khi phát sinh tranh chấp, ngay cả cơ quan chức năng cũng không thể đi tới cùng. Mẫu số chung cho tất cả các trường hợp vẫn là người dân - chủ đầu tư tự thỏa thuận với nhau hoặc vấn đề bức xúc nên không biết tới bao giờ mới được xử lý dứt điểm. Cho rằng “các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư còn thiếu, chồng chéo và nhiều nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị phải sớm điều chỉnh, bổ sung.

Để chấn chỉnh hoạt động quản lý nhà chung cư, mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra, xử lý những vi phạm, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ nhà chung cư. Từ đó, sẽ đề xuất giải pháp về mô hình quản lý chung cư, phương pháp xác định giá dịch vụ nhà chung cư... Dự kiến, trong quý IV-2012, UBND TP sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để bổ sung, sửa đổi Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với thực tế.

Riêng về phí dịch vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng kiến nghị cho phép công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư thay cho việc ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ như hiện nay. Ông nói: “Đơn giá này được công bố để doanh nghiệp, các hộ dân có liên quan tham khảo, thương thảo và quyết định áp dụng hoặc xây dựng giá dịch vụ theo các quy định hiện hành”.

Lập diễn đàn phản đối chủ đầu tư

Bức xúc vì những tranh chấp với chủ đầu tư thường không được giải quyết dứt điểm, nhiều cư dân khu chung cư đã lập diễn đàn trên mạng Internet để phản đối. Đơn cử, một số hộ dân Khu chung cư Golden Westlake (Tây Hồ) đã lập diễn đàn tại địa chỉ goldenwestlake.info để tập hợp các thông tin xung quanh dự án. Trang chủ được bố trí khoa học, với nhiều nội dung, chuyên mục riêng biệt (gồm cả hình ảnh, video), không chỉ cập nhật đầy đủ các ý kiến thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại của người dân mà còn cung cấp các văn bản trả lời của các cơ quan chức năng hay sự kiện khác liên quan tới khu chung cư này.



DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô