Hàng loạt vụ tai nạn trẻ em rơi từ tầng cao chung cư xuống đất thương vong khiến nhiều gia đình không khỏi lo lắng, bất an.
Chung cư Thủ Thiêm Sky (Q.2, TP.HCM), nơi xảy ra vụ tai nạn khiến bé gái 5 tuổi tử vong tại chỗ do rơi từ tầng 9 xuống - Người lớn không được chủ quan khi bồng bế con trẻ - Ảnh: Ngọc Dương
|
Nguy hiểm nơi ban công, lô gia
Trưa 23.12, nhiều người sống tại chung cư Thủ Thiêm Sky (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) nghe tiếng động lớn, chạy lại xem thì phát hiện bé gái nằm bất động dưới nền đất, tử vong. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, nạn nhân là bé N.Q. A (5 tuổi). Sáng 23.12, cha mẹ bé A. bận việc nên mang bé đến nhà ông bà tại tầng 9 chung cư Thủ Thiêm Sky để gửi. Khi đến nơi, ông bà bé A. đi vắng nên mẹ bé mở cửa nhà cho bé vào ở một mình xem ti vi chờ ông bà về thì xảy ra sự việc.
Theo kết quả khám nghiệm ban đầu, bé A. tử vong do rơi từ trên cao xuống đất bị đa chấn thương. Công an nhận định, nhiều khả năng bé A. ra lô gia, leo lên máy giặt cao gần 1 m chơi và ngã ra ngoài. Lan can lô gia của căn hộ xảy ra vụ việc có chiều cao khoảng 1,4 m; cạnh lan can có đặt máy giặt.
Lan can ở hành lang một chung cư ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho trẻ em - Ảnh: Ngọc Dương
|
Chiều 25.12, PV Thanh Niên liên lạc với Công ty CP đầu tư Thủ Thiêm (chủ đầu tư chung cư Thủ Thiêm Sky) thì đại diện công ty nhắn: “Sếp đi công tác, đề nghị để lại số điện thoại, công ty sẽ liên lạc trả lời sau”.
Quan sát của PV, nhiều căn hộ ở chung cư Thủ Thiêm Sky đều có lô gia. “Sự việc bé A. rơi từ tầng 9 xuống đất tử vong là bài học cho cư dân chúng tôi về việc giám sát con cái cũng như để những vật dụng ngoài lô gia”, anh H., một cư dân sống tại chung cư này chia sẻ.
Sau vụ tai nạn đau lòng nói trên, PV Thanh Niên đã ghi nhận thực tế ở một số chung cư khác trên địa bàn TP.HCM. Tại chung cư 76 (trên đường Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh), đa phần các hộ dân nơi đây đều tự rào, bao bọc lan can của ban công, lô gia bằng lưới sắt nhằm đảm bảo an toàn, ngăn trẻ nhỏ leo trèo. Tại chung cư P.Phước Long B (P.Phước Long B, Q.9), lan can của lô gia được xây bằng tường gạch cao hơn 1 m và có thanh sắt ngang bên trên. Nhiều hộ dân sinh sống tại đây đều làm thêm khung sắt để bảo vệ trẻ em khỏi rơi xuống đất. “Biết làm khung sắt ngoài lô gia là sai quy định, mất an toàn về PCCC nhưng nếu không làm, con nhỏ rất dễ leo trèo, té ngã xuống đất”, chị Quỳnh, cư dân chung cư P.Phước Long B, nói.
Cần bổ sung, sửa đổi quy chuẩn
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong quá trình đô thị hóa, ở chung cư là xu thế tất yếu. Do vậy, quy chuẩn VN về thiết kế nhà cao tầng ban hành theo luật Nhà ở năm 2005 cần hoàn thiện, sửa đổi bổ sung theo tinh thần luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể, trước đây chung cư thường được hiểu trên dưới 20 tầng nhưng hiện nay có những chung cư nhà ở lên đến 35 - 40 tầng. Trong khi đó, theo quy chuẩn xây dựng VN, ban công chỉ được làm đến tầng thứ 6; từ tầng thứ 7 trở lên chỉ được phép làm lô gia. “Đối với những chung cư trên 30 tầng trở lên, có nên cho mở lô gia và ban công không? Đây là vấn đề cần phải tính toán trong quy chuẩn xây dựng chung cư nhà cao tầng tại VN”, ông Châu nêu vấn đề.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em ở chung cư, theo ông Châu, bên cạnh việc chủ đầu tư phải tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng khi xây chung cư, cư dân sống trong chung cư cần tăng cường giám sát, huấn luyện trẻ em về nhận biết nguy hiểm, như: không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia...
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN 05:2008/BXD của Bộ Xây dựng về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe - Ảnh: Đồ họa: Đông Xuân
|
Liên quan đến quy chuẩn lan can nhà chung cư nhằm đảm bảo an toàn, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Xây dựng, cho biết Bộ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở (lỗ mở bao gồm cả các cửa sổ - PV) phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4 m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can. Các yêu cầu kỹ thuật này đã được nghiên cứu, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở VN, đồng thời đảm bảo khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy.
Cũng theo ông Ngọc Anh, việc sử dụng ban công, lô gia, đặc biệt ở những gia đình có con nhỏ, cần được mỗi cá nhân, gia đình quan tâm hơn nữa để tránh những tai nạn đáng tiếc. “Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo cuối cùng về nhà chung cư. Các quy định nêu trên sẽ được nhắc lại rõ hơn trong dự thảo”, ông Ngọc Anh nói.
Nhiều trẻ em ở chung cư gặp nạn
Khoảng giữa tháng 7.2016, tại tòa nhà Rainbow Linh Đàm, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội, một cháu bé 6 tuổi rơi từ tầng 11 xuống tầng 2 tử vong. Gia đình nạn nhân sống trên tầng 11, tiếp giáp với giếng trời không được lắp lưới an toàn nên khi cháu bé leo lên cửa sổ chơi thì bị té ngã.
Chiều 27.5.2017, một bé trai 5 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 17 của một chung cư ở P.Văn Quán, Q.Hà Đông, Hà Nội tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra tai nạn, bé trai ở nhà cùng mẹ trong một căn hộ trên tầng 17. Bé đã leo lên ghế rồi trèo qua cửa sổ lan can, rơi xuống đất.
Ngày 6.7.2018, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 7 của một chung cư tại TP xuống đất trong tình trạng đa chấn thương. Bé gái ở nhà cùng mẹ, nhưng ra ban công chơi và trèo qua lan can rơi xuống đất.
Ngày 15.11.2018, bé N.Đ.N (5 tuổi) ở nhà cùng ông nội tại tầng 7 của một chung cư ở P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Khi đang chơi ngoài ban công, N. trèo qua lan can, rơi xuống đất nguy kịch.
Diaoconline.vn – Theo Báo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: