Top

Xóa các dự án nhà ở “treo” tại TP Hồ Chí Minh

Bảo đảm quyền lợi người dân và doanh nghiệp

Cập nhật 23/03/2013 09:14

TP Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm dự án nhà ở “treo” gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và quy hoạch đô thị. Đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã công bố việc xóa dự án nhà ở “treo” là một ưu tiên hàng đầu, chỉ đạo quyết liệt và tiến hành thu hồi hàng loạt dự án. Thu hồi quyết định đầu tư, xóa quy hoạch “treo” sao cho hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho người dân và chủ đầu tư đang là một thách thức không nhỏ đối với ngành chức năng.

Kiên quyết xóa quy hoạch, dự án “treo”

Hàng loạt dự án nhà ở “treo” bị xóa vừa được ngành chức năng TP Hồ Chí Minh thông báo, đã khiến người dân TP Hồ Chí Minh phấn khởi. Trong số các quy hoạch, dự án nhà ở “treo” có thời gian kéo dài từ 10 năm đến hàng chục năm như:  Dự án quy hoạch khu đô thị mới Bình Quới  - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) có diện tích 410ha; Khu sinh thái, nhà ở Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); Dự án tái định cư ấp Doi (Gò Vấp); Dự án chung cư Hạnh Phúc (xã Bình Hưng, Bình Chánh) …  Dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) được phê duyệt từ năm 1992, Tổng công ty xây dựng Sài Gòn được giao triển khai bồi thường, giải tỏa, xây dựng, nhưng đến nay vẫn để không. Trong thời gian bị quy hoạch "treo", khu vực này đã hình thành những khu nhà ở tự phát, tạm bợ, hạ tầng chắp vá, gây ô nhiễm nghiêm trọng.  Đến năm 2010, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định thu hồi dự án khu đô thị mới, nhưng khu vực này vẫn thuộc quy hoạch vùng sinh thái nên hàng nghìn căn nhà vẫn không thể xác lập chủ quyền hoặc sửa chữa.

Quy hoạch, dự án “treo” khiến nhiều khu nhà ở tồi tàn, ô nhiễm tồn tại nhiều năm.

Hơn 600 hộ dân sinh sống ở cù lao ấp Doi (phường 15, quận Gò Vấp) cũng  đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khu vực này rộng 40ha, được quy hoạch xây dựng khu tái định cư cho các dự án trọng điểm ở quận Gò Vấp từ năm 1998 nhưng đến nay vẫn không thể thực hiện.

Trước thực trạng quy hoạch, dự án nhà ở “treo” xảy ra tràn lan, từ năm 2011, UBND TP Hồ Chí Minh đã tạm dừng không chấp thuận dự án đầu tư nhà ở nào để tập trung tháo gỡ các quy hoạch “treo” còn tồn tại. Cuối năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các đồ án quy hoạch, dự án nhà ở nhằm đánh giá các dự án, quy hoạch “treo” để xử lý, giải tỏa.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã công bố kết quả kiểm tra. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 448 dự án có quyết định thu hồi, giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 6.835ha. Các dự án này chưa, hoặc mới triển khai bồi thường từ 50%-80%, giải phóng mặt bằng và tổ chức xây dựng. Trong số đó có 43 dự án với tổng diện tích 2.492ha có tỷ lệ bồi thường dưới 50%; có 29 dự án với tổng diện tích 896ha có tỷ lệ bồi thường từ 50 đến 80% diện tích.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương hủy bỏ các dự án, quy hoạch nhà ở chậm tiến độ. Cụ thể, các dự án được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư, hoặc chấp thuận vị trí địa điểm quy hoạch thực hiện dự án nhưng đến nay chưa có báo cáo kết quả nghiên cứu, chưa thực hiện đều bị hủy bỏ. Đối với các dự án nhà ở đã được chấp thuận địa điểm đầu tư, các dự án có tỷ lệ bồi thường dưới 50% diện tích dự án cũng buộc phải hủy bỏ. Các dự án có bồi thường đạt từ 50 đến 80% diện tích được giao sẽ chỉ được gia hạn lần cuối đến hết năm 2013. Đối với các chủ đầu tư thiếu năng lực thì kiên quyết không xem xét, gia hạn và có biện pháp thu hồi đất và giao lại cho các chủ đầu tư khác thực hiện cho mục đích tái định cư và nhà ở xã hội của thành phố.

Bảo đảm quyền lợi người dân và doanh nghiệp

Giữa tháng 3-2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh thông báo vừa hoàn tất danh sách 30 dự án, quy hoạch xây dựng nhà ở chậm tiến độ sẽ bị hủy bỏ. Các dự án này có tổng diện tích 384ha, mới có tỷ lệ bồi thường dưới 50% diện tích. Theo kế hoạch, đầu quý II năm 2013, thông tin chi tiết về các dự án bị thu hồi sẽ được công bố công khai tại địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thu hồi các dự án nhà ở “treo” đặt ra vấn đề làm sao để hài hòa lợi ích của người dân và chủ đầu tư dự án đang được nhiều người quan tâm. ông Đoàn Nhật, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng, việc hủy bỏ các dự án, quy hoạch “treo” cần tính toán kỹ, cân nhắc lợi ích của người dân. Những dự án mới chỉ thực hiện bồi thường dưới 50% diện tích thì thành phố cần có quyết định hủy bỏ để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Những dự án thuộc diện thu hồi mà có tiến độ bồi thường dưới 80% thì nên hủy bỏ quyết định thu hồi đất để thay thế bằng cơ chế làm đến đâu thu hồi đến đó. Như vậy, sẽ giúp người dân sống trong khu vực chưa thực hiện quy hoạch được phép sửa chữa xây dựng, hoàn tất thủ tục nhà đất.


Xóa quy hoạch, dự án “treo” sẽ giúp người dân TP Hồ Chí Minh có cơ hội sửa chữa, xây dựng nhà ở khang trang.

ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng, nếu các dự án dở dang bị thu hồi thì chắc chắn chủ đầu tư sẽ phá sản. Phần chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để lập dự án rất lớn, ai sẽ đền bù cho doanh nghiệp? Vì vậy, tùy theo quy mô dự án, chính quyền thành phố cần cho phép doanh nghiệp tiếp tục đầu tư dự án trên phần diện tích đã đền bù xong.

Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, việc rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm quyền lợi của người dân. Thông qua việc công khai các dự án chậm triển khai giúp người dân có thể giám sát.

Về vấn đề nhiều chủ đầu tư dự án lo lắng, dự án dở dang bị hủy bỏ quyết định đầu tư sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chủ đầu tư trong bối cảnh bất động sản đóng băng, ông Đào Anh Kiệt cho rằng, các dự án trước đây được chấp thuận địa điểm đầu tư, chưa có quyết định giao đất, thu hồi đất nếu không được thành phố cho phép gia hạn, tức là sẽ chấm dứt dự án của nhà đầu tư đó chứ không thu hồi đất dự án. Phần đất nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng, thì đơn vị đó có thể tiếp tục dự án nếu trúng thầu, có thể góp vốn kinh doanh với chủ đầu tư mới hoặc sẽ được chủ đầu tư mới bồi thường giải phóng mặt bằng như doanh nghiệp đã bồi thường cho các hộ dân, các cơ quan, đơn vị trong khu vực. Đối với các dự án nhà ở, nếu các chủ đầu tư vẫn muốn thực hiện sẽ được Sở Xây dựng hướng dẫn làm thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Đối với khu đất thực hiện dự án chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì thực hiện hình thức đấu thầu chọn chủ đầu tư. Đối với khu đất đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì thực hiện hình thức chỉ định chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch -Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết: "Vấn đề quy hoạch đang được chính quyền TP Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Cùng với xóa quy hoạch, dự án “treo”, công tác  quy hoạch tỷ lệ 1/2000 sẽ được hoàn tất trên toàn địa bàn thành phố vào tháng 9-2013. Điều này sẽ giúp cho người dân nắm rõ và bảo đảm được quyền lợi của mình, tạo cơ sở vững chắc cho thành phố thực hiện quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại".

DiaOcOnline.vn - Theo Quân đội Nhân dân