Top

Bán tháo 12.000 tỷ đồng vốn ngân hàng, BĐS?

Cập nhật 07/06/2015 08:27

Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong 6 tháng tới sẽ phải thoái xong 19.500 tỷ đồng vốn đầu tư 5 lĩnh vực nhạy cảm, trong đó, 12.000 tỷ nằm ở ngân hàng, bất động sản. Áp lực thời gian liệu có khiến ông lớn Nhà nước bán tháo hay không?

Chạy nước rút bán tháo?

Theo Nghị quyết 21 của Quốc hội ban hành năm 2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm, bao gồm bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và Quỹ đầu tư mà các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cần phải thoái giai đoạn 2012-2015 là 23.325 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ còn 6 tháng nữa là hết năm 2015, số vốn còn lại phải thoái rất lớn, tới 19.517 tỷ đồng. Khoản vốn này chiếm tới 65% tổng vốn phải thoái trong khi quỹ thời gian còn lại chỉ bằng 1/6 thời gian kế hoạch hực hiện.


Trong đó, vốn chôn ở ngân hàng, bất động sản chiếm phần lớn với 12.000 tỷ đồng. Dòng vốn vào thị trường còn hạn chế, trong khi lượng cung quá lớn như vậy chắc chắn là một thách thức không nhỏ.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: "Chính phủ đã có nhiều cơ chế hỗ trợ như chính sách bán dưới mệnh giá, cho phép bán thoái vốn theo lô đang lấy ý kiến, ngân hàng Nhà nước cũng đã có lộ trình rõ ràng", ông Tiến nói.

Điểm mặt những đại gia còn nắm vốn lớn, ông Tiến nói, đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có tới 5.400 tỷ đồng đầu tư vào các ngân hàng. Đáng chú ý nhất là khoản 800 tỷ ở Ocean Bank của PVN đang đứng trước nhiều dấu hỏi liệu có mất trắng hay không?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn còn hơn  1.700 tỷ đồng, gồm 16% vốn ở Ngân hàng An Bình, hơn 100 tỷ đồng ở công ty chứng khoán An Bình và khoản vốn góp ở công ty bảo hiểm toàn cầu. Ngoài ra, Petrolimex cũng đang nắm tới 40% vốn ở PGbank...

"Nếu như PVN, EVN thoái được hết vốn thì đã giải quyết được gần 1/3 khoản vốn đầu tư vào ngân hàng, bất động sản của các Tập đoàn, Tổng công ty rồi", ông Tiến nhìn nhận.

Không làm được thì thay lãnh đạo

Nói về trách nhiệm người đứng đầu về các khoản đầu tư này, lấy ví dụ về vụ PVN đầu từ 800 tỷ đồng ở Ocean Bank, trong khi, ngân hàng này vừa được NHNN tiếp quản, mua lại với giá 0 đồng. Theo nguyên tắc cổ đông góp vốn lời ăn lỗ chịu, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, khoản đầu tư 800 tỷ của cổ PVN có thể coi là là mất trắng.

Tuy nhiên, ông Tiến không xác nhận điều này và cho rằng, trách nhiệm PVN ra sao sẽ phải do Bộ chủ quản là Bộ Công Thương xem xét, đồng thời, việc mất hay không mất trắng vốn còn phải theo luật Tổ chức tín dụng.

"Nếu xảy ra mất vốn, sẽ phải xem xét cụ thể từng vụ việc, xét theo các luật chuyên ngành và Luật Tổ chức cán bộ. Điều này cũng gắn với trách nhiệm của Bộ chủ quản", ông Tiến nói.

Trở lại câu chuyện thoái vốn theo lô, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay, cơ chế chỉ dành cho trường hợp bán các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Cơ chế này sẽ giải phóng được tâm lý e ngại của nhà đầu tư, khi Nhà nước còn chi phối thì họ không thể quản lý DN, đảm bảo đồng vốn của mình hiệu quả.

Theo ông Tiến, bộ chủ quản sẽ phải xây dựng cơ chế đấu giá theo lô, phải làm rõ mục đích các nhà đầu tư muốn mua cả lô có tham gia quản lý DN hay không và nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, không thể cứ đăng ký ào ào mua rồi lại bỏ. Trường hợp mua cổ phần mà không có điều kiện ràng buộc, các cổ đông hoàn toàn có quyền mua đi, bán lại.

Nếu các doanh nghiệp NN không cổ phần hoá xong, không bán được vốn đúng thời hạn thì sẽ chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên.

ÔNg Tiến nhấn mạnh: "Đây không phải là cách chữa cháy cho việc chậm cổ phần hoá. Bởi nếu không, các DN này không lẽ sẽ phải tiếp tục quay trở lại là DN 100% vốn Nhà nước và Nhà nước vẫn phải hỗ trợ. Như vậy, DN sẽ không thể thực hiện quy tắc, tiêu chuẩn quản trị minh bạch theo các luật Doanh nghiệp mới".

Tuy nhiên, khi Nhà nước đã có đầy đủ cơ chễ hỗ trợ rồi, cho phép bán dưới mệnh giá, bán theo lô mà các DN vẫn không làm được thì sẽ phải xem xét, thay lãnh đạo. Đồng thời, SCIC tham gia quá trình này, cũng không phải nhắm mắt mua cổ phần xấu. Nếu cũng không thể bán được DN, SCIC cần báo cáo Chính phủ tình hình, cho phép phá sản, ông Tiến nói.

box: Tính từ năm 2012-quý I/2015, các Tập đoàn, Tổng Công ty mới thoái vốn ở 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và Quỹ đầu tư) được 8.213 tỷ đồng, bằng 35% tổng vốn cần thoái, với số thu về là 8.599 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá trị đầu tư ở 5 lĩnh vực nhạy cảm đã tăng thêm 4.517 tỷ đồng, do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu làm tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương ứng với số tiền cổ tức được chia.

DiaOcOnline.vn - Theo Vef