Sắp tới, thành viên ban quản trị tại các chung cư trên cả nước phải đi học để được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quản lý, sử dụng nhà chung cư, theo quy định mới của Luật Nhà ở 2014.
Sắp tới, ban quản trị chung cư phải theo học khóa học bồi dưỡng kiến thức quản lý, vận hành nhà chung cư. Ảnh minh họa: TL
|
Đây là quy định được nêu trong dự thảo thông tư “Quy định về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư” do Bộ Xây dựng soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp.
Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều tại tọa đàm lấy ý kiến cho dự thảo thông tư này, do Bộ Xây dựng tổ chức vào sáng 11-9 tại TPHCM.
Theo dự thảo thông tư, thành viên ban quản trị nhà chung cư hoặc đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư phải tham gia một khóa học tại các cơ sở đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư được Bộ Xây dựng công nhận.
Sau khi hoàn thành nội dung khóa học gồm tổng cộng 12 tiết này, học viên được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp.
Đại diện một số ban quản trị chung cư tại TPHCM có mặt tại tọa đàm đã cho rằng, quy định trên là khó khả thi. Bởi lẽ, tại nhiều chung cư đã diễn ra hiện tượng chẳng cư dân nào chịu tham gia ban quản trị chứ chưa nói đến việc buộc họ đi học.
Ông Phan Tự Lập, thành viên ban quản trị chung cư Hùng Vương (quận 5), cho rằng không nên quy định bắt buộc thành viên bản quản trị phải đi học và phải có giấy chứng nhận. “Họ được cư dân tin tưởng bầu lên tức là họ đã có ý thức, kỹ năng rồi”, ông Lập nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định việc học bồi dưỡng và cấp chứng nhận quản lý nhà chung cư cho ban quản trị là hợp lý bởi họ là những người điều hành các công việc liên quan đến cuộc sống hàng trăm người khác.
Theo đó, các kiến thức về quản lý chi tiêu tài chính, phòng cháy chữa cháy, ký kết hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý phần diện tích sử dụng chung - riêng,…là rất cần thiết cho ban quản trị.
Song, nhiều ý kiến cho rằng, quy định giấy chứng nhận chỉ có thời hạn 5 năm là không cần thiết. “Chẳng lẽ sau 5 năm lại phải đi học lại? Ban quản trị cũng có công việc riêng của họ, đâu có nhiều thời gian”, một đại diện ban quản trị nêu ý kiến. Vị này cho rằng, nếu làm không khéo, quy định này sẽ làm nảy sinh hiện tượng “chạy chọt” cho các cơ sở đào tạo để không cần học cũng có giấy chứng nhận.
Các cơ sở đào tạo quản lý, vận hành chung cư cũng đồng tình quan điểm trên của các thành viên ban quản trị. “Chỉ nên quy định sau 5 năm được cấp giấy chứng nhận thì thành viên ban quản trị tham gia các lớp học bổ sung thêm các kiến thức mới”, bà Trần Thị Thanh Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Đào tạo Doanh Chủ góp ý.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, ban soạn thảo thông tư trên sẽ tiếp thu các ý kiến trên để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp, trình Bộ Xây dựng ban hành kịp thời, ngay sau khi dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: