Top

Bài toán quy hoạch và giao thông nội đô

Cập nhật 02/06/2010 11:40

Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh).
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều vấn đề nhức nhối như tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kiến trúc nhà ống làm xấu đi bộ mặt đô thị... Các vấn đề này đang là gánh nặng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ tính riêng nạn kẹt xe đã gây ra thiệt hại lớn: Với tám triệu lao động tại hai thành phố, mỗi ngày mỗi người phải bỏ ra thêm một giờ (tương đương một USD) vì kẹt xe, thì tổng thiệt hại là khoảng 2,4 tỷ USD/năm. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, liệu có giải pháp để quy hoạch lại giao thông và xây dựng khu vực nội đô?

Số tiền đền bù quá lớn

Nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông đô thị trước hết là do tình trạng quá tải và giao thông không được quy hoạch theo đúng tiêu chuẩn cần thiết. Hiện nay, diện tích đường phố của Hà Nội chưa đạt 7% diện tích đô thị, TP Hồ Chí Minh cũng ở mức tương tự, trong khi đó theo quy chuẩn các đô thị cần có 20% diện tích dành cho giao thông tĩnh và động.

Nói cách khác, vào giờ cao điểm thì ba người đang đứng vào chỗ của một người. Một nguyên nhân rất quan trọng gây ra nạn ùn tắc giao thông là cả hai thành phố đều thiếu sự đồng bộ khi quy hoạch mở rộng. Ðáng ra, khi xây dựng các khu đô thị mới với mục tiêu giãn dân thì phải dành nhiều đất cho các khu công sở, văn phòng, nhưng chúng ta chỉ quan tâm đến việc chia lô và xây chung cư để bán. Vì vậy, vào giờ đi làm toàn bộ dân cư các khu đô thị mới đều xuống đường đi về phía trung tâm thành phố, nêm chặt như nêm cối tất cả các nút chai cửa ô và giờ tan tầm tình huống diễn ra ngược lại...

Mặt khác, kiến trúc đô thị nhà ống đang gây phản cảm đối với bộ mặt đô thị và phần nào tác động tiêu cực đối với thế hệ trẻ. Lớp trẻ lớn lên trong các căn nhà ống, giữa đô thị chen chúc, thiếu đi không gian hài hòa của đô thị hiện đại và thói quen của phong cách công nghiệp, sẽ hạn chế quá trình hình thành ý thức văn hóa đô thị phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Về quy hoạch đô thị, phần khó nhất là quy hoạch cải tạo khu vực nội đô. Trong đó, khâu khó nhất là giải bài toán về số tiền đền bù - đây là một con số khổng lồ. Theo khái toán của chúng tôi, với tổng diện tích các khu đông dân nội thành Hà Nội là 150 km2 và TP Hồ Chí Minh là 400 km2 (khoảng 80% diện tích nói trên cần phải được quy hoạch lại với giá đền bù bình quân là 2.000 USD/m2 tương đương 38 triệu đồng/m2) thì chúng ta cần có khoảng 880 tỷ USD. Chỉ riêng hệ thống giao thông đô thị, để đạt chuẩn, Hà Nội cần số tiền đền bù khoảng 39 tỷ USD, TP Hồ Chí Minh khoảng 80 tỷ USD, mới có đủ diện tích mở rộng đường.

Cùng với thời gian, số lượng tiền đền bù đang tăng lên theo cấp số nhân. Năm 1994, khi chúng tôi bắt đầu đề cập ý tưởng này thì giá đền bù chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/m2 và tổng giá trị đền bù của hai thành phố khoảng 48 tỷ USD, đến nay con số này đã gấp 18 lần. Với một quốc gia mà GDP khoảng hơn 100 tỷ USD và tổng đầu tư xã hội khoảng 40 tỷ USD thì đây là số tiền quá lớn. Quan trọng hơn, là số tiền đền bù tăng nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ tăng GDP, nếu cứ "dẫm chân tại chỗ", khoảng 20 năm nữa chúng ta sẽ cần phải đền bù 20 nghìn tỷ USD để quy hoạch lại giao thông và xây dựng khu vực nội đô.

Nguyên tắc không sử dụng vốn ngân sách

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích đất, cải tạo đô thị, mở rộng thêm diện tích giao thông, xây dựng lại các tuyến phố, chúng tôi đề nghị giải pháp kết hợp như sau: Hầu hết các khu dân cư hiện có ngoài các tuyến phố bao bọc chung quanh, bên trong hệ thống giao thông chỉ bao gồm ngõ, ngách chằng chịt nhưng tỷ lệ diện tích giao thông rất thấp. Ðể tăng diện tích giao thông lên ba lần cho khu phố, cần phải mở các đường phố bao quanh lên gấp ba lần, hoặc cần phải mở thêm bốn đường phố nữa đi xuyên qua khu phố (tận dụng các ngõ, ngách, kênh mương bên trong khu phố với chi phí đền bù thấp hơn để mở đường). Tất cả các dự án làm đường, xây dựng lại tuyến phố phải bảo đảm ba nguyên tắc: không sử dụng vốn ngân sách; tạo bộ mặt đô thị hiện đại; xây dựng hạ tầng, bãi đỗ xe ngầm, xử lý nước thải, không gian cây xanh theo tiêu chuẩn.

Giả sử con đường dài 1.000 m, bốn làn xe rộng 15 m, vỉa hè rộng 5 m, mỗi bên giải phóng thêm 25 m xây dựng chung cư để tái định cư tại chỗ. Các số liệu giả định như sau: Giá đền bù 30 triệu đồng/m2, nhà xây tám tầng + hai tầng hầm, mật độ xây dựng 50%, giá xây dựng tám triệu đồng/m2, tỷ lệ sử dụng 90%, giá bán 32 triệu đồng/m2 (chưa kể VAT). Trong đó, chi phí đền bù tính ra khoảng 2.250 tỷ đồng; chi phí xây dựng: khoảng 2.000 tỷ đồng, vốn cần vay là 2.000 tỷ đồng (dự án thực hiện bốn năm, với lãi suất 14%/năm, chi phí vốn sẽ là 1.378 tỷ đồng). Dự án được xây dựng theo hình thức cuốn chiếu và huy động vốn sau khi xong phần móng sẽ có tổng chi phí 5.628 tỷ đồng và tổng doanh thu 5.760 tỷ đồng, doanh nghiệp có đủ số lãi cần thiết để tái đầu tư, đặc biệt là bảo đảm được ba nguyên tắc nêu trên.

Và điều quan trọng nhất là nó góp phần cải tạo giao thông và quy hoạch lại khu vực nội đô, kết hợp với các giải pháp khác để thực hiện quy hoach tổng thể các thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Cùng với thời gian, các thông số của bài toán quy hoạch và giao thông đô thị sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với khả năng của chúng ta, chính vì vậy cần phải khẩn trương hành động.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân