Top

Bài toán nhà "siêu mỏng, siêu méo" sẽ được giải quyết trong năm 2018?

Cập nhật 23/02/2018 15:00

Hiện nay, việc chỉnh trang đô thị, trong đó vấn đề nhà siêu mỏng trên các trục đường mới mở gây nhiều phản cảm, bức xúc về thẩm mỹ đô thị. Nhiều năm qua, dù đã có những biện pháp quản lý từ mọi cấp ngành, chính quyền địa phương, câu chuyện này vẫn tồn tại.

Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm 132 nhà “siêu mỏng, siêu méo” trong quý 1/2018.

Tại buổi chất vấn trong kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định 132 nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại trên 12 năm tại Hà Nội sẽ được các sở liên ngành trình UBND thành phố phương án giải quyết trong quý I/2018.

Trong đó, tiến độ thực hiện cũng chỉ rõ trong quý I/2018, Sở Xây dựng sẽ tham mưu xử lý kiên quyết, dứt điểm 132 công trình này. Với nỗ lực của Sở xây dựng và TP. Hà Nội liệu có chấm dứt được tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” khi tình trạng này vẫn còn đang phổ biến? Đặc biệt, trên các tuyến đường cải tạo, đường mới mở, những ô đất vẫn đang mọc lên các công trình nhà ở trong bối cảnh “đất chật người đông”, cuộc sống mưu sinh phụ thuộc nhiều vào việc “bám" mặt đường và giá trị đất thực sự là “tấc đất - tấc vàng”.

Từ nhiều năm trước, theo Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì ô đất không đủ điều kiện xây dựng công trình là “ô đất còn lại sau khi giải phóng mặt bằng có diện tích nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m và không được phép xây dựng”.

Nhưng sau nhiều năm, trải qua thực tế của quá trình đô thị hóa, quy hoạch đô thị thì cứ có đất là có công trình. Đồng nghĩa với điều đó là người thiết kế nhà ở của người dân với đủ kiểu dáng đủ màu sắc, thậm chí sẽ là sửa, cơi nới thêm bớt, làm khác, để lấn một ít “đất trên trời” vì xung quanh ai cũng vậy. Kết quả là những mái ngói, mái tôn, mái bằng khấp khểnh lồi ra thụt vào, những ngôi nhà chỉ đẹp khi đứng riêng còn lại thành lòe loẹt và sai phép khi đứng giữa phố.

Thực tế, tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" vốn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Điển hình, tại đường Vành đai 1 (đoạn từ ô Đông Mác đến đê Nguyễn Khoái), đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy) có không ít ngôi nhà dị dạng. Đặc biệt, tại phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa), số nhà 66 chỉ có diện tích gần 20m2, hình tam giác, cao 2 tầng nhưng đang tiếp tục cải tạo sửa chữa, xây thêm tum thang.

Rất nhiều chuyên gia đã từng chỉ ra rằng, suy cho cùng thì câu chuyện nhà “siêu mỏng, siêu méo” chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện bất cập của công tác quản lý đô thị và phát triển đô thị hiện nay. Nếu chừng nào một thiết kế đô thị chuẩn và thiết chế cho thẩm mỹ công cộng còn chưa được quan tâm đúng mức và xem như việc cấp thiết, thì chừng đó vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn nạn bộ mặt đô thị luôn vụn vặt và thiếu bản sắc.

Cho đến nay, sự tồn tại của những căn nhà siêu mỏng vừa là hiện thực khách quan vừa là kết quả chủ quan. Lỗi không chỉ nằm ở mấy căn nhà đơn lẻ đó mà  chừng nào câu chuyện quy hoạch, xây dựng giao thông chưa gọn gàng, còn để lại các thửa đất mỏng méo thì khi đó sẽ còn những nhà “siêu mỏng, siêu méo” mọc ngay đầu phố để nhận đất chờ giải phóng mặt bằng.

Thiết nghĩ, đã nhiều lần lãnh đạo TP. Hà Nội thể hiện quyết tâm dẹp bỏ nhà “siêu mỏng, siêu méo” để trả lại cảnh quan cho các tuyến phố, và đã không ít lần “chốt” thời hạn xử lý cho các quận, huyện song lại phải trì hoãn, lùi thời hạn. Một lần nữa, kỳ vọng lại đặt ra cho năm 2018 và Hà Nội sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết tận gốc vấn nạn chuyện nhà mỏng xuất hiện ở những tuyến đường được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng khiến diện mạo thủ đô lộn xộn.

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học xây dựng Hà Nội, chúng ta đang xây dựng đô thị với tốc độ nhanh và một ngày phải giật mình khi chúng ta đang sống cùng với rất nhiều “không gian dị biệt”. Một trong những tính “dị biệt” đó là hình thức kiến trúc, quy hoạch không gian, hạ tầng khác biệt với bên ngoài như kiển trúc ổ chuột, tự xây nhà mỏng, nhà méo, ngõ hẻm... khác biệt với kiến trúc các khu vực đô thị hiện đại.

PGS. TS Phạm Hùng Cường nhấn mạnh: “Sự phát triển khó kiểm soát theo phương thức tự xây tạo nên kiến trúc đô thị hỗn lọan. Các công trình kiến trúc xây dựng mới đều không dựa trên một nguyên tắc chung nào về không gian hay hình thái, mọi người đều có quyền xây dựng 100% diện tích đất, từ mật độ xây dựng, tầng cao và kiểu cách đều tuỳ ý.

Thêm vào đó, các quy định về quản lý đô thị khá mở với khu vực này, dưới 200m2 sàn và 3 tầng là mọi người có thể tự thiết kế và chịu trách nhiệm, kể cả với quy mô lớn hơn thì cũng có rất ít những ràng buộc về quản lý đô thị được thực hiện có hiệu lực. Sự vi phạm, lấn chiếm không gian chung khi tính tự quản kém xảy ra là phổ biến”.

Cùng quan điểm, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra nguyên nhân: “Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị hiện nay chúng ta làm chưa tốt. Chúng ta chưa tính toán việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường khi thiết kế đô thị, diện tích đất còn lại của nhiều mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng nhưng vẫn để cho xây vì công tác giải phóng mặt bằng còn bỏ ngỏ. Rõ ràng, đây là một câu chuyện không hề mới nhưng bao năm qua vẫn không tìm ra được cách giải quyết”.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đấu Thầu