Tại TP.HCM, rất nhiều khu quy hoạch rồi để đó. Còn người dân thì sống trong những khu che chắn tạm bợ, bức bối, ngột ngạt, vì không xây dựng, không sửa chữa, không mua bán được nhà.
Quá nhiều công viên...trên giấy!
Cù lao Ấp Doi phường 15 Gò Vấp rộng đến vài chục héc-ta được quy hoạch làm công viên cây xanh từ năm 1998. Kể từ đó, người dân trong khu này không thể xây dựng, sửa chữa, mua bán nhà được nữa. Nếu ai tự làm thì bị xem là trái phép.
TP.HCM là nơi có khu công viên cây xanh "treo" nhiều nhất nước. Trong một lần nói trên diễn đàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một cán bộ làm việc trong lĩnh vực quản lý đô thị là Lê Văn Ngũ đã thống kê, riêng quận Gò Vấp đã có tới 5 khu quy hoạch công viên cây xanh ở các phường 1, 5, 13, 14, 15, chưa kể còn nhiều cụm cây xanh nho nhỏ xen trong các khu dân cư.
Nếu tính cả thành phố này thì khu quy hoạch công viên cây xanh không kể xiết. Có thể kể ra đây vài dự án: công viên cây xanh cầu Sài Gòn phía Q.2, công viên cây xanh P.8 Q.6, P.15 Q.Tân Bình, P.5 và P.15 Q.8, phường Hòa Thạnh và nhiều phường khác tại Q.Tân Phú, phường Tân Thới Hiệp Q.12…
Tuy nhiên, cây xanh đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhà cửa không xây dựng, xuống cấp không được sửa chữa, và người dân trong khu vực sống khắc khoải vì không được mua bán, thay đổi...
Đơn cử khu dự án cây xanh phường 13 Q.Gò Vấp chạy dọc theo sông Bến Cát chiếm gần một phần tư diện tích của phường gần chục năm nay chẳng có cây xanh nào được trồng. Quá cần chỗ ở, người dân phải lén lút xây dựng nhà để ở, và loại nhà này được gọi là nhà xây trái phép.
Dự án giao thông gây… tắc nghẽn
Đường Bình Long, Q.Tân Phú được quy hoạch 30m, nhưng chỉ thi
công rộng 10m. Ảnh: Đặng Vỹ.
Kế đến cây xanh, dự án giao thông cũng “treo” cuộc sống của người dân lâu không kém. Nếu các dự án cây xanh “khoanh” cuộc sống của người dân ở các quận ven đô, thì “dự án giao thông” lại gây bế tắc cho tất cả, không kể nội hay ngoại thành.
Người dân ở Gò Vấp kêu ca quy hoạch treo đường Nguyễn Thượng Hiền, người Q.5 kêu ca đường Phan Văn Trị, quận 6 kêu đường Bà Hom, quận Tân Phú và Bình Tân khổ sở với con đường Bình Long..., còn toàn thành phố thì tắc nghẽn bởi tất cả các hẻm đều treo với quy hoạch trên 6m.
Trớ trêu đến mức, đường Cách Mạng Tháng Tám ngay trung tâm thành phố tập trung dày đặc nhà cửa nhưng cách đây 10 năm có quy hoạch con đường 35m. Đến khi thực hiện chỉ làm được mấy cây số đoạn An Sương - Cộng Hòa.
Ông Nguyễn Văn Ái, một người đang thuê nhà ở quận Bình Tân cho biết, ông đi mua nhà cả tháng nay nhưng không tìm được. Ở những ngôi nhà ông chọn, nếu không vi phạm lộ giới đường lớn thì cũng quy hoạch hẻm, hoặc dính công viên, công trình công cộng…
Dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có chỉ đạo rà soát, nhưng
chưa thấy TP.HCM có bao nhiêu dự án treo. Ảnh: Đặng Vỹ.
Chọn mãi không được, cuối cùng ông Ái đành chấp nhận mua một căn nhà không giấy tờ. “Không giấy tờ với có giấy nhưng trong khu quy hoạch cũng không khác gì nhau”, người đàn ông thở dài.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một cư dân ở Q.Hóc Môn, bán mãi căn nhà không xong vì “nghe đâu” có quy hoạch con đường đi ngang hông nhà. Ông lên phường nơi cư trú hỏi, cán bộ ở đây cũng trả lời không rõ ràng vì chính cán bộ cũng không biết chắc. Ông lắc đầu: “Dự án giao thông hóa ra gây tắc nghẽn!”
Có bao nhiêu dự án treo?
Mặc dù chỉ thị số 30 ngày 24/12/2003 của UBND TP.HCM và quan trọng nhất là Quyết định 1013 ngày 2/8/2006 yêu cầu rà soát, kiểm tra dự án treo, nhưng chắc chắn không cán bộ lãnh đạo nào có thể trả lời được địa bàn mình phụ trách và thành phố này có bao nhiêu dự án treo, bao nhiêu dự án “không treo”.
Theo quy định tại Nghị định 181, các dự án nếu sau 3 năm không thực hiện thì phải xem xét giải quyết. Thế nhưng gần như không ai rà soát, không ai thực hiện các quy định này, vì vậy các dự án lập ra nhưng không có khả năng thực hiện thì nó thành cái dây treo lơ lửng cuộc sống của người dân.
Cá biệt có nơi như khu Bình Quới - Thanh Đa P.27, 28 Q.Bình Thạnh, có lẽ là “đại dự án treo” với một diện tích cực lớn và thời gian cực dài: trên 30 năm.
Không tính được dự án thì đành phân nhóm, phân loại cho dễ hình dung. Ông Mai Ái Trực ngày còn làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã phân loại các dự án treo gồm 3 loại, đó là:
Thứ nhất, địa phương công bố quy hoạch một khu đất để xây dựng công trình, dự án nhưng sau đó không làm gì. Thứ hai, đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng việc thu hồi không dứt điểm, kéo dài từ năm này sang năm khác. Và thứ ba, đất đã giao nhưng chủ đầu tư không đầu tư hoặc đầu tư một ít rồi bỏ đó.
>Nhà trong khu quy hoạch treo và thảm cảnh mua bán
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: