Top

Nhiều công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội đắp chiếu:

Ám ảnh nỗi lo lỗ nặng

Cập nhật 28/11/2011 14:10

Gần đây, trước tốc độ tăng giá chóng mặt của các loại vật liệu xây dựng (VLXD), hàng loạt công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội đang đứng trước nguy cơ ngừng trệ. Việc các cơ quan chức năng chậm tính toán điều chỉnh mức trượt giá càng khiến các công trình xây dựng dây dưa, kéo dài.

Hậu quả càng dây dưa, không chỉ Nhà nước và nhà thầu càng tốn tiền, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Bài 1: Khi khung giá vênh nhau

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, hàng loạt công trình rơi vào tình trạng “chậm tiến độ”. Theo phản ánh của các nhà thầu, một trong những lý do chính khiến các DN - đặc biệt là các DN vừa và nhỏ - đau đầu là do giá VLXD liên tục tăng giá, nhiều dự án không thể triển khai do công tác GPMB quá chậm.

Choáng vì bão giá

Một chủ thầu cho biết, có những công trình đã ký hợp đồng từ tết năm ngoái, nhưng đến thời điểm này vẫn phải “đắp chiếu” chờ giá VLXD ổn định trở lại vì hiện giá các loại vật liệu đều tăng cao từ 20-40%.

Giá VLXD liên tục tăng làm nhiều công trình bị đình trệ (ảnh minh hoạ).

Dự án đường liên huyện Thanh Trì (tuyến Vĩnh Quỳnh – Đại Áng) là một ví dụ. Theo ông Nguyễn Kim Lương - chỉ huy trưởng công trình gói thầu 2, dự án cải tạo đường liên xã Vĩnh Quỳnh – Đại Áng, thuộc CTCP đầu tư xây dựng Phú Nguyên - thì công trình được khởi công từ ngày 20.10.2009, tuy nhiên đến nay dự án vẫn hết sức ỳ ạch, bởi giá VLXD tăng mạnh làm nhà thầu trở tay không kịp. “Chỉ tính riêng loại đá dăm, giá hiện Cty phải mua hơn 170.000đ/m3, trong khi ở thời điểm khởi công chưa đến 150.000đ/m3. Một đoạn đường chỉ có 1,4km cũng ngốn khoảng 7.500m3 đá dăm, so giá cả thời điểm tính từ cuối năm 2009 đến nay riêng tiền đá dăm Cty đã lỗ hàng tỉ đồng, chưa tính đến các loại VLXD khác giá cũng liên tục tăng” - ông Lương nói.

Bất cập khung giá thị trường và giá nhà nước

Nhiều nhà thầu cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay là khung giá VLXD thực tế với báo giá VLXD của Sở Xây dựng Hà Nội quá “vênh” nhau. “Hợp đồng ký từ đầu năm 2010 chỉ cho phép bù giá 10% so với chi phí tại thời điểm ký kết. Song, hiện giá các loại vật liệu đều tăng cao, thậm chí tăng đến 40%, nên gây khó khăn lớn cho DN” - một chủ Cty xây dựng than thở.

Ông Lê Văn Tuân - chỉ huy trưởng gói thầu số 4, công trình đấu giá hạ tầng Tiên Dương (Đông Anh, HN) - cho rằng, với tình hình chậm tính toán bù giá của các cơ quan chức năng như hiện nay, DN khó đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ. “Trong khi khoản tiền cả chục tỉ đồng do trượt giá nhà thầu bỏ ra thi công trước đó chưa được thanh toán, nay nếu thi công tiếp đồng nghĩa với việc nhà thầu lại phải bù trước 100% kinh phí mua vật tư theo giá thực tế (cao hơn giá dự toán ban đầu khoảng 50%), thì quả là dồn DN đến đường cùng. Công trình không bị chậm lại mới là lạ” - ông Tuân nói. Còn ông Nguyễn Kim Lương - chỉ huy trưởng công trình gói thầu 2, dự án cải tạo đường liên xã Vĩnh Quỳnh – Đại Áng – tâm sự: “Chẳng ai muốn làm công trình chậm tiến độ, nhưng với giá được thanh toán thấp như hiện nay thì Cty lỗ nặng, không đủ trả lương cho công nhân, nói gì đến lãi”.

Được biết, tại nhiều dự án, các nhà thầu đã có văn bản kiến nghị chủ đầu tư và các cơ quan quản lý tính lại chính sách về giá cho phù hợp với tình hình tăng giá và lạm phát hiện nay, thậm chí đề xuất giải pháp tách chỉ số của một số nguyên - vật liệu chính có mức độ tăng giá mạnh để cập nhật giá, để giảm bớt khó khăn cho DN và đảm bảo các công trình đúng tiến độ. Tuy nhiên, phần lớn các kiến nghị đều rơi vào im lặng theo kiểu “sư kêu sư phải, vãi nói vãi hay” mà căn cứ được các chủ đầu tư bám vào vẫn là báo giá “trời ơi” của Sở Xây dựng.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động