Top

Ám ảnh nhà nghiêng

Cập nhật 16/04/2011 08:55

Những ngôi nhà nghiêng lún, chực chờ sụp đổ không phải chuyện mới, song chỉ từ khi các vụ nhà sập xảy ra liên tiếp ở Hà Nội thì cơ quan quản lý mới bắt đầu tính chuyện rà soát và tìm cách khắc phục.

Tại TP.HCM, dễ dàng tìm thấy những ngôi nhà nghiêng ngả, dựa hẳn vào nhau mà những người dân sống xung quanh đó vẫn thấp thỏm không biết tai họa sẽ ập xuống lúc nào.

Q.Bình Thạnh được đánh giá là một trong những khu vực nhiều nhà nghiêng, lún nhất do đặc thù nền đất yếu, nhiều túi bùn sâu. Trong đó, nhiều nhà cao tầng trên trục đường Đinh Bộ Lĩnh bị nghiêng nghiêm trọng. Đặc biệt là tại địa chỉ 190 Đinh Bộ Lĩnh (P.26), bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy ngôi nhà cao tầng này nghiêng và dựa hẳn vào nhà bên cạnh.


Căn nhà số 171 Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM (phải) nghiêng “dựa” vào nhà bên cạnh - Ảnh: D.Đ.M

Theo người dân tại đây, từ tháng 7.2010 chủ ngôi nhà nghiêng này đã khắc phục sự cố bằng cách dùng tole che bên ngoài, ngay khe giáp ranh với nhà bên cạnh rồi sơn quét cùng màu tường nhà cho đỡ lộ khoảng hở ngày càng rộng. Ở thời điểm đó, khoảng hở do nhà nghiêng tạo ra chỉ khoảng 2 cm nhưng đến nay đã lên đến 6 cm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tương tự, nhà số 171 cũng nghiêng khoảng 4 cm so với nhà bên cạnh. Theo người dân, khó xác định được nhà nào nghiêng trước, dựa vào nhà bên cạnh, “đẩy” cả dãy 3 - 4 ngôi nhà cùng nghiêng theo.

Nhưng nghiêng khủng khiếp và phổ biến nhất phải nói đến khu vực Bình Phú ở Q.6 (TP.HCM). Mặc dù các khu phố ở đây được quy hoạch rất hoàn chỉnh và đa số những căn nhà ở đây đều rất kiên cố, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, bằng mắt thường có thể nhìn thấy hàng loạt căn nhà nghiêng ở các con đường số 26, 26A, 22, 24, Chợ Lớn...

Nghiêm trọng nhất là căn nhà số 51 ở đường 26A. Đây là một căn nhà rất lớn nhưng đã nghiêng hẳn một bên, tạo khoảng cách gần 45cm so với nhà bên cạnh. "Thần đèn" Nguyễn Văn Cư, người đã từng thực hiện rất nhiều công trình chống nghiêng, chống lún ở khu vực này cho biết: "Do đây là vùng đất yếu, thường xuyên ngập nước nên tình trạng nhà nghiêng, nhà lún xảy ra rất phổ biến, hầu như con đường nào cũng có nhà nghiêng. Có những căn nghiêng đến nỗi lộ ra khoảng trống từ 30 - 45 cm giữa mỗi căn nhà. Thống kê sơ bộ ở khu dân cư Bình Phú 1 và Bình Phú 2 phải có đến hàng trăm căn nhà đang bị nghiêng như vậy".

Không chỉ mất mỹ quan đô thị mà thực trạng nhà nghiêng đang đe dọa sự an toàn của người dân bởi không biết liệu sẽ sập xuống lúc nào. Trong khi đó, việc khắc phục hầu hết lại chỉ trông chờ vào ý thức người dân.

Bi kịch hơn, nhiều nhà nghiêng đã lấn sang phần không gian bên trên của những khu đất trống nằm giữa, cho nên chủ các khu đất này bị "trói tay", xây nhà cũng không được mà mua bán, sang nhượng cũng chẳng xong. Một số người dân ở khu vực này cho biết, đã có nhiều người bị ảnh hưởng, vì quá bức xúc nên đã kiện ra tòa nhưng dây dưa mấy năm chưa giải quyết được.

Trách nhiệm cơ quan quản lý

Lỗi từ khâu thiết kế, thi công


Ông Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cho rằng nguyên nhân chính của vấn đề, là do công tác khảo sát địa chất ban đầu chưa thực sự được chú trọng, kéo theo những sai sót trong thiết kế và thi công. Thực tế, việc triển khai ồ ạt các công trình xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp, cao ốc... mà chưa thực sự quan tâm đến yếu tố địa chất như thời gian qua đã kéo theo các tai biến địa chất, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, gây biến dạng, nghiêng lún, hư hỏng kết cấu các công trình xây dựng.

Rà soát nhà nghiêng trên toàn TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi 24 quận, huyện đề nghị khẩn trương kiểm tra, rà soát các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP; thống kê, báo cáo Sở Xây dựng các trường hợp nhà hư hỏng, nghiêng lún nguy hiểm, nhà có nguy cơ sập đổ để có phương án phòng tránh sự cố, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.
"Với thực trạng địa chất đó, để xây dựng các công trình cao tầng thì phải chú trọng đến giải pháp nền móng, nhưng thực tế công tác này thường bị chủ đầu tư bỏ qua, trong khi việc giám sát của cơ quan quản lý không hiệu quả. Nhiều trường hợp đầu tư tiếc chi phí khảo sát, xử lý nền móng mà quên nghĩ đến hậu quả khi nhà nghiêng lún thì có thể tốn gấp nhiều lần để khắc phục, chưa kể tình trạng mất an toàn rình rập" - ông Sanh nói.

Ông Bùi Trung Dung - Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết, theo quy định, nhà lún, nghiêng được xem là công trình có sự cố và Sở Xây dựng các địa phương sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết. Theo ông Dung, khi phát hiện nhà bị lún, nghiêng, cách xử lý tốt nhất là vận động chủ sở hữu tự xử lý và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp giấy phép xây dựng hoặc sửa chữa, cho thuê mặt bằng tạm cư, mặt bằng thi công.

“Đối với nhà lún nghiêng được Sở Xây dựng đánh giá là nguy hiểm thì chính quyền quyết định đình chỉ hoạt động khai thác ngôi nhà, yêu cầu khắc phục xong sự cố mới được sử dụng tiếp. Chính quyền cũng có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ, nhưng nếu người dân không thông báo về sự cố, không khiếu kiện đối với chủ ngôi nhà bị nghiêng thì chính quyền chưa thể can thiệp. Trên thực tế, người dân sống gần ngôi nhà bị nghiêng mặc dù lo lắng nhưng họ không nghĩ tới việc thông báo về sự cố đến các cơ quan hữu trách” - ông Dung nói.

Các cấp quản lý không thể vô can


TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng - có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn sập hoặc nghiêng lún nhà nhưng các cấp quản lý không thể vô can. Bởi, trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải thường xuyên kiểm tra, khảo sát để nhận dạng các nguy cơ mất an toàn đối với công trình xây dựng, trong đó có nhà ở của người dân, từ đó đưa ra cảnh báo ở các mức độ khác nhau để người dân có ứng xử phù hợp.

Các trường hợp nhà ở nghiêng lún là vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, không thể xử phạt chủ đầu tư và nhà thầu, bởi hầu hết các công trình này đều có dấu hiệu nghiêng lún, hư hỏng từ nhiều năm nay nên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 2 năm). Như vậy, đáng lẽ phải phát hiện, xử phạt và yêu cầu khắc phục từ sớm thì các cơ quan quản lý lại để dây dưa nhiều năm nay. Từ năm 2007, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện (nhất là Q.Bình Thạnh) giám sát khắc phục các công trình nghiêng lún song việc thực hiện không triệt để.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên