Top

Thị trường bất động sản: Kỳ vọng ở lượng vàng dự trữ trong dân

Cập nhật 14/04/2011 15:50

Hà Quang.Ảnh minh họa
Hơn 40 tỷ USD đang được người dân tích trữ dưới dạng vàng vật chất. Để khơi thông nguồn vốn này cho lĩnh vực bất động sản, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần tạo lập một thị trường ổn định hơn.

Trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hội thảo “Toàn cảnh thị trường bất động sản – tài chính năm 2011” do Tập đoàn Đất Xanh tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, hiện có khoảng 1.000 tấn vàng vật chất (với giá trị quy đổi hơn 40 tỷ USD) đang được tích trữ trong dân. Nếu các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản huy động được khoản tiền khổng lồ này, thì các dự án không lo thiếu vốn.

“Tất nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp cần tạo được lòng tin đối với khách hàng, nhà đầu tư bằng cách dự án có tính khả thi cao. Việc bất động sản có trở thành nơi “trú ẩn” an toàn của đồng vốn hay không cũng phụ thuộc vào hai chữ “lòng tin” này”, ông Nghĩa nhận xét.

Theo nhiều doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo, thì thiếu vốn là nỗi lo chung của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản năm nay. Với những chính sách thắt chặt tài chính - tín dụng của Ngân hàng Nhà nước theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt là với những lĩnh vực phi sản xuất, thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không có cơ hội tiếp cận thêm với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Mặt khác, với mức lãi suất cho vay cao như hiện nay, thì rất ít doanh nghiệp dám cả gan vay vốn ngân hàng để đầu tư vào bất động sản.

Trả lời câu hỏi về vốn của các doanh nghiệp, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, có một số giải pháp vốn chủ yếu và cũng chính là những việc cần làm ngay cho thị trường bất động sản Việt Nam. Đó là, trong hoàn cảnh hiện tại, cần có sự đổi mới về pháp luật để cho phép doanh nghiệp thế chấp bằng bất động sản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài. Vấn đề đặt ra là, pháp luật Việt Nam hiện chưa cho phép thực hiện cơ chế thế chấp này, vì chưa công nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải là nhà đầu tư vào Việt Nam. Việc đổi mới pháp luật này không chỉ cần thiết nhằm tạo vốn mạnh hơn cho thị trường bất động sản, mà còn đáp ứng cho nhu cầu mở rộng thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

“Xây dựng khung pháp luật này là phức tạp, nhưng dù sớm hay muộn, chúng ta vẫn phải làm khi Việt Nam đã là trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO”, ông Võ nói.

Giải pháp vốn thứ hai cho doanh nghiệp bất động sản, là nâng cao hiệu quả của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để tạo thuận lợi cho giải pháp này, một mặt cần ưu đãi về tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư nước ngoài; mặt khác, cần lưu ý để tránh việc các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại huy động vốn của chính người dân Việt Nam cho các dự án bất động sản của họ như hiện nay.

Giải pháp tiếp theo có tính “căn cơ” nhất hiện nay và trong tương lai gần là, hoàn chỉnh cơ chế “mua bán nhà trên giấy” để người dân có thể tin tưởng giao vốn cho chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Trên thực tế, cơ chế “mua bán nhà trên giấy” là một giải pháp vốn rất quan trọng, nhưng cũng luôn tiềm ẩn rủi ro trong triển khai. Đó là những rủi ro về chất lượng, về tiến độ, về giá trị, về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư… Nghị định số 71/2010/NĐ – CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã đưa ra một số quy định nhằm khắc phục một số rủi ro đối với cơ chế này, nhưng vẫn chưa đảm bảo thực sự không còn rủi ro. “Do vậy, cần tạo một cơ chế bảo đảm giao dịch bằng các dịch vụ tài chính và đảm bảo chất lượng, tiến độ với sự tham gia giám sát của cộng đồng những người góp vốn để có thể huy động được nguồn tiền dự trữ rất lớn đang được người dân tích trữ bằng vàng”, ông Võ nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư