Trách nhiệm để dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30.000 tỷ đồng thuộc về TP.HCM và 3 bộ liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và bố trí kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017 của dự án metro Bến Thành - Suối Tiên.
Bộ này khẳng định việc đội vốn metro Bến Thành - Suối Tiên có trách nhiệm của TP.HCM và 3 bộ Tài chính, GTVT và KH&ĐT.
4 năm đội vốn 30.000 tỷ đồng
Theo đó, năm 2007, UBND TP.HCM phê duyệt báo cáo đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2017 đến 2015.
Nhưng 4 năm sau, tháng 9/2011, UBND TP.HCM đã điều chỉnh vốn đầu tư dự án lên hơn 47.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA, trước đây là JBIC) là trên 41.800 tỷ đồng (chiếm 88,4% tổng mức đầu tư). Còn lại hơn 5.400 tỷ là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân. |
Tháng 10/ 2011, Bộ trưởng GTVT thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Trong báo cáo, Bộ GTVT nêu sự thay đổi tổng mức đầu tư dự án tăng 30.000 tỷ đồng.
Bộ nêu nguyên nhân, sự cần thiết phải điều chỉnh dự án và kiến nghị Quốc hội cho ý kiến và theo dõi, giám sát trong suốt quá trình triển khai dự án.
Bộ KH&ĐT cho rằng dự án đang vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, Quốc hội chưa có ý kiến về việc điều chỉnh dự án và tăng tổng mức đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài đến hết 8/2017 của TP.HCM chưa đủ điều kiện để bổ sung hoặc ứng trước kế hoạch vốn nước ngoài cho dự án theo quy định.
4 cơ quan chịu trách nhiệm
Trong báo cáo Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã điểm mặt những cơ quan có trách nhiệm.
Đối với TP.HCM, thành phố có sự hiểu khác về công văn số 1506/TTg-KTN ngày 25/8/2011 cho rằng dự án đã được phê duyệt tổng mức đầu tư nên không báo cáo Thủ tướng khi chưa phê duyệt điều chỉnh mức đầu tư dự án.
Ngoài ra, TP.HCM chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan xác định rõ giá trị phần vốn kế hoạch trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư điều chỉnh được phê duyệt. Hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và TP.HCM tháng 7/2017 không có giá trị phần vốn vay lại.
Robot đào hầm tuyến metro số 1 Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân. |
Bộ GTVT chưa phối hợp chặt chẽ với TP.HCM để báo cáo Thủ tướng việc Quốc hội chưa có ý kiến đối với tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án.
Bộ Tài chính chưa phối hợp chặt chẽ với TP.HCM thống nhất giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Bộ KH&ĐT tự nhận trách nhiệm trong việc giám sát đầu tư công chưa kịp thời phát hiện có vấn đề ở dự án này để báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với TP.HCM và các bộ, ngành khẩn trương rà soát thẩm tra việc điều chỉnh tổng mức đầu tư. Khẩn trương xác định rõ giá trị vay lại của dự án.
Chính phủ ủy quyền cho Bộ GTVT báo cáo Quốc hội kỳ họp thứ 5 (5/2018) về việc điều chỉnh dự án để phê duyệt tổng mức đầu tư làm căn cứ tiếp tục triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ trong trường hợp cần thiết cho phép TP.HCM tạm ứng vốn từ nguồn vay lại để chi trả cho hạng mục xây lắp. Giao UBND TP.HCM trước mắt tập chung chỉ đạo giải ngân hết số vốn nước ngoài đã được giao năm 2017 cho dự án.
Sơ đồ tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Google Maps. |
Dự án tuyến đường sắt đô thị metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1 của TP.HCM) dài gần 20 km. Trong đó công trình có khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Công trình khởi công từ tháng 8/2012. Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cam kết sẽ xây dựng xong toàn bộ 5 gói thầu tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ, đưa vào vận hành, khai thác vào cuối năm 2020.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: