Top

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: Vì sao đội vốn 30 nghìn tỷ sau vài năm?

Cập nhật 01/12/2017 16:00

Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 4/2007 là hơn 17.387 tỷ đồng. Đến tháng 9/2011, UBND TP.HCM đã điều chỉnh vốn đầu tư dự án này lên 47.325,2 tỷ đồng.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Thanh Niên.

Quá trình điều chỉnh vốn của dự án

Mới đây Bộ Kế hoạch và đầu tư có văn bản báo cáo Thủ tướng liên quan tới việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, hợp đồng vay lại và tạm ứng vốn ODA năm 2017 cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 (đoạn Bến Thành - Suối Tiên).

Báo cáo này cho biết, bắt đầu từ năm 2007 đến nay, dự án đã trải qua 10 năm triển khai phê duyệt, điều chỉnh, thực hiện và nhiều lần thay đổi các quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công.

Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 4/2007 là hơn 17.387 tỷ đồng.

Tháng 6/2008, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư vẫn giữ nguyên là 17.387 tỷ đồng nhưng bổ sung giá trị quy đổi ra Yên Nhật. Năm 2010, UBND TP.HCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 47.325, 4 tỷ đồng, trong đó chưa nêu rõ giá trị phần vốn ngân sách trung ương cấp phát và vốn địa phương vay lại.
Đến tháng 9/2011, UBND TP.HCM đã điều chỉnh vốn đầu tư dự án này lên 47.325,2 tỷ đồng. Tại quyết định này cũng vẫn chưa nêu rõ giá trị phần vốn ngân sách trung ương cấp phát và vốn địa phương vay lại.

Đến tháng 10/2011, Bộ Giao thông vận tải thay mặt Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về dự án để Quốc hội cho ý kiến. Tại báo cáo, Bộ Giao thông vận tải đã nêu đầy đủ về việc thay đổi tổng mức đầu tư (tăng thêm hơn 30 nghìn tỷ đồng), nguyên nhân, lý do và sự cần thiết điều chỉnh dự án.

Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, UBND TP.HCM có sự hiểu khác về công văn 1506/TTg-KTN ngày 25/8/2011 của Thủ tướng nên đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Trong khi đó, đây là dự án phải báo cáo Quốc hội xem xét mới được điều chỉnh tổng mức đầu tư.

UBND TP.HCM cũng thừa nhận rằng, đối chiếu với Nghị quyết số 49/2010/QH12, việc dự án chưa được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tổng mức đầu tư mới (hơn 47.300 tỷ) là chưa phù hợp với quy định của Quốc hội. Điều này dẫn đến quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức mới của Chủ tịch UBND TP.HCM là “chưa đủ chặt chẽ về mặt pháp lý”.

3 nguyên nhân chính khiến đội vốn

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho rằng: Dự án đang bị thiếu vốn đầu tư, các nhà thầu đang giãn tiến độ thi công; nhà tài trợ JICA cũng đã bày tỏ quan ngại về việc sử dụng vốn vay ODA. Dự án đang có nhiều nguy cơ đình trệ, không đảm bảo mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2020 theo cam kết với nhà tài trợ.

Theo kế hoạch trung hạn 2016-2020, nhu cầu vốn ODA cho dự án đường sắt đô thị này là hơn 20.000 tỷ và đã giao 7.500 tỷ đồng, còn thiếu hơn 13.400 tỷ đồng.

Để giải quyết khó khăn trong việc bố trí vốn ODA từ Ngân sách trung ương, năm 2017, UBND TP.HCM đã tạm ứng từ Ngân sách của Thành phố để chi trả cho các nhà thầu 1.100 tỷ đồng.

Hậu quả có thể thấy trước là xảy ra tranh chấp các hợp đồng quốc tế đã ký với các nhà thầu; tăng các chi phí đối với ngân sách (phạt do chậm thanh toán, chi phí kiện tụng,... ); giảm hiệu quả kinh tế xã hội do chậm đưa vào sử dụng.

Các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khả năng đảm bảo cân đối dòng tiền và hiệu quả đầu tư khi rủi ro chậm thanh toán có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Việt Nam.

UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sớm tham mưu việc ứng trước kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của UBND TP.HCM cho biết, sau khi dự án được phê duyệt, từ tháng 1/2008, đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu... là chưa phù hợp. Sau đó, NJPT thiết kế và bổ sung lại.

Cùng với việc làm rõ thiết kế cho cơ sở dự án, tổng mức đầu tư cũng được điều chỉnh, cập nhật, tính toán lại.  UBND TP.HCM cho biết, tổng mức đầu tư dự án tăng so với thời điểm duyệt đầu năm 2007 là do 3 nguyên nhân chính.

Một là do tăng khối lượng xây dựng cho dự án nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án, tính lại đến năm 2040 (thay vì 2020 như được phê duyệt ban đầu). Cụ thể là tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga...

Nguyên nhân thứ hai là do biến động của giá cả nguyên nhiên vật liệu. Thứ 3 là do cập nhật tỷ giá Yên Nhật - Đồng Việt Nam (bị trượt giá do đồng Yên tăng từ 1 Yên/37 đồng thành 1 Yên/200 đồng)...

3 bộ và UBND TP.HCM có trách nhiệm

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ và thành phố trong trước tình trạng khó khăn của dự án metro Bến Thành - Suối Tiên hiên nay, đó là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM và Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Cụ thể, UBND TP.HCM có sự hiểu khác về công văn 1506/TTg-KTN ngày 25/8/2011 của Thủ tướng nên đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Thành phố cũng chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc xác định rõ giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách Trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư được điều chỉnh.

Bộ Giao thông vận tải cũng chưa phối hợp chặt chẽ với TP.HCM và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng việc Quốc hội chưa có ý kiến đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Bộ Kế hoạch và đầu tư tự nhận trách nhiệm trong việc giám sát đầu tư nhưng chưa kịp thời phát hiện vấn đề để phối hợp với UBND TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ để Quốc hội sớm có ý kiến về việc điều chỉnh dự án, làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai dự án cũng như công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công.

Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM cập nhật, rà soát thẩm tra việc điều chỉnh tổng mức đầu tư báo cáo Chính phủ xem xét và trình Quốc hội.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Thủ tướng ủy quyền cho Bộ Giao thông vận tải thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018 về việc điều chỉnh dự án để Quốc hội phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, làm căn cứ tiếp tục triển khai dự án cũng như phân bổ vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE