Top

3 "cú hích" mới cho thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2018

Cập nhật 13/02/2018 09:29

TP.HCM đã triển khai thêm 3 “chìa khóa” tạo sự phát triển mới cho thị trường BĐS, đó là đề án xây dựng đô thị thông minh; thực hiện phát triển liên vùng theo quy hoạch điều chỉnh vùng TP.HCM vừa được Chính phủ phê duyệt; triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội.


Mới đây, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình "Lắng nghe và trao đổi" với chủ đề "TPHCM – Khát vọng vươn cao". Tại đây, đại diện lãnh đạo Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp mới, cũng như cơ chế chính sách tạo đòn bẩy cho vùng TP.HCM tăng trong phát triển trong giai đoạn tới.

Theo đó, đến nay TP.HCM đã có Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; Kết luận 21 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16; Nghị quyết Đại hội Đảng TP.HCM lần thứ X với 7 chương trình đột phá.

Đặc biệt, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực cho rằng TP.HCM đã triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh; Thành phố cũng đã có Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy đây sẽ là thế mạnh vượt trội cho TP.HCM tăng tốc phát triển so với nhiều địa phương khác. "TP.HCM đã có các điều kiện cần và đủ để trở thành một trung tâm đô thị lớn của cả khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài xem TP.HCM là nơi phát triển khá lý tưởng, một khi những cơ chế chính sách đặc thù phát huy tác dụng, sẽ giúp bùng nổ một làn sóng đầu tư mới", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết.

Bởi lẽ, BĐS TP.HCM đang hút vốn FDI mạnh nhất so với các ngành kinh tế khác, trong đó nhiều doanh nghiệp FDI đã mang đến thành phố những dự án nhà ở, khu đô thị quy mô lớn. Đây sẽ là một "xung lực" cho thị trường trong 5 năm tới, kéo theo việc hình thành nhiều siêu đô thị trải dài trên các hướng phát triển chính của thành phố.

Theo nhận định của ông Châu, với việc nhiều chính sách mới đã có hiệu lực là điều kiện để thị trường BĐS trong những năm tới phát triển mạnh hơn.

Một cú hích khác cho thị trường bất động sản TP.HCM năm 2018 là Thành phố đang áp dụng phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, việc trở thành đô thị thông minh và gia nhập vào các thành phố thông minh trên thế giới sẽ góp phần rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá.

"Thị trường bất động sản TP.HCM được đánh giá tốt hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại, các dự án và doanh nghiệp trong nước hưởng lợi từ hạ tầng giao thông thông minh, y tế, giáo dục chất lượng cao… Đây là những yếu tố quan trọng cho một dự án bất động sản trong giai đoạn cạnh tranh mới", ông Châu nói thêm.

Điểm sáng cho thị trường bất động sản TP.HCM năm 2018 còn đến từ việc kết nối vùng. Hiện nay, quy mô thị trường bất động sản TP.HCM đang được đánh giá là đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của thành phố đồng và diễn ra làn sóng lan tỏa mạnh mẽ.

Ban đầu, xu hướng này mạnh lên ở các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh có bán kính gần Sài Gòn. Sau đó, sức lan tỏa vươn tới những địa phận thuộc "Vùng TP.HCM" gồm các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Sự kết nối vùng ấn tượng này tạo thêm nguồn cầu, mở rộng và kích thích gia tăng quy mô thị trường.

Bởi vì, theo Quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM mới được phê duyệt, phạm vi vùng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.

Về tính chất, vùng TP.HCM là vùng đô thị lớn có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt, vùng phát triển kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; có vai trò vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế; là trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam Bộ và cả nước, đầu mối liên kết các vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Giới quan sát thị trường bất động sản cho rằng, sang năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ có chuyển hướng rõ nét ra vùng ven. Lý do là hiện quỹ đất ở khu vực trung tâm không còn nhiều, trong khi đó, TP.HCM đã đưa ra chính sách siết chặt cấp phép xây dựng dự án bất động sản ở khu trung tâm để đẩy mạnh chương trình giãn dân, nên các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển ra vùng ven để phát triển dự án.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ