Sau hơn 2 năm chủ trương, chính sách về vốn cho nhà ở xã hội đã được xây dựng nhưng đến nay thực tế vốn chưa có khiến người mua nhà mòn mỏi ngóng chờ.
Khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP ngày 07/01/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2016 cơ hội của người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội hưởng gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đã kết thúc. Tuy nhiên, trước khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, hồi giữa năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1013/QĐ-TTg quy định lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 4,8%/năm.
Từ năm 2011-2020 cả nước cần khoảng 440.000 căn nhà ở xã hội. Đến nay, mới thực hiện được 28% kế hoạch (Ảnh minh họa). |
Đến giữa năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 630/QĐ-TTg tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội năm 2017 là 4,8%/năm. Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đồng ý bố trí 2.000 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 1.200 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Mới đây nhất, Quyết định 117 vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký ban hành. Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 5%/năm.
Nhưng thực tế đến thời điểm này, dù đã có chính sách nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn vẫn không có cơ hội vay. Nhiều khách hàng cho biết, nếu không được vay vốn ưu đãi người mua sẽ không đủ khả năng tài chính để mua nhà bởi đa phần đều là những người có thu nhập thấp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Phấn - Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sắp tới, Bộ sẽ nghiên cứu theo hướng giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước đối với nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Về lâu dài, phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội mới có thể triển khai tốt chính sách nhà ở xã hội. Thực tế, việc trông chờ vào nguồn vốn bố trí từ ngân sách nhà nước không dễ, bởi trong bối cảnh cân đối ngân sách còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các lĩnh vực sản xuất sẽ được ưu tiên nhiều hơn. Nếu có tính đến việc giải ngân vào lĩnh vực bất động sản, thì khoảng thời gian chờ sẽ rất lâu và thậm chí, có thể chưa xác định ngày nào và năm nào.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ năm 2011-2020 cả nước cần khoảng 440.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, TP HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn... Đến nay, mới thực hiện được 28% kế hoạch.
Trong khi đó, ngân hàng Nhà nước cho biết, hơn 1 năm nay chưa có nguồn để triển khai cho vay mới, bởi ngân sách chưa bố trí được. Theo quy định, khoản cho vay ưu đãi thuộc chương trình này nằm trong kế hoạch đầu tư công dài hạn và được Quốc hội phê duyệt. Trong khi đó, khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công dài hạn lại không có khoản này.
Đặt vấn đề về nguồn vốn hiện nay, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng thương mại cần quan tâm đến sản phẩm cho vay thế chấp dành cho những người có thu nhập thực tế ở mức thấp, nhưng có khả năng trả nợ. Theo ông Hiển, trên cơ sở thế chấp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai chính là căn nhà ở xã hội, và được vay với thời hạn dài hơn 30 năm, lãi suất chênh lệch so với lãi suất tái cấp vốn nhà nước một biên độ nhỏ.
Nêu ý kiến về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Bộ Xây dựng và cơ quan chức năng nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để huy động nguồn vốn khác để hỗ trợ. “Có thể thành lập 1 quỹ riêng cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, như kinh nghiệm của Hà Lan” – ông Nghĩa nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: