Top

26 năm nữa mới xong quy hoạch chi tiết đô thị

Cập nhật 16/01/2016 08:14

Đó là tính toán của các chuyên gia tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành xây dựng năm 2015, diễn ra hôm qua 15.1, tại Hà Nội.


Tòa nhà 8B Lê Trực xây sai phép ngay ở vùng lõi Hà Nội - Ảnh: Lê Quân
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, bộ đã tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 44 đồ án quy hoạch, gồm 4 quy hoạch xây dựng vùng, 15 quy hoạch chung khu kinh tế, 17 quy hoạch chung đô thị, 8 quy hoạch chung khu chức năng đặc thù. Đến nay, cả nước có 15 vùng liên tỉnh, 15 khu kinh tế ven biển, 13 khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 60/63 địa phương đã tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh.

Bộ Xây dựng thống kê tính đến 20.12.2015, lượng tồn kho bất động sản giảm còn 50.889 tỉ đồng, giảm 42,3% so với thời điểm tháng 12.2014, tương đương 54.100 tỉ đồng. Tồn kho giảm do lượng giao dịch thành công tăng, chủ yếu ở phân khúc căn hộ có diện tích vừa và nhỏ, dự án đã hoàn thành, dự án ở nơi có hạ tầng tốt, dự án có tiến độ xây dựng tốt.
 

Về tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đã đạt 100%, tăng 7% so với năm 2010. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết chỉ đạt khoảng 33%, tăng 3% so với năm 2014, tăng 13% so với năm 2010. Quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2%, tăng 3,3% so với năm 2014; tăng 71,8% so với năm 2010.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN nhận xét, theo số liệu Bộ Xây dựng đưa ra tốc độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tăng trung bình là 2,5%/năm. “Còn 65% quy hoạch chi tiết chưa thực hiện và theo tốc độ này, sẽ phải mất 26 năm để hoàn thành. Như vậy, việc thỏa thuận quy hoạch, cơ chế xin cho sẽ tồn tại rất lâu, khó giữ được quy hoạch chung. Hậu quả và việc khắc phục chắc chắn tốn kém khó thể thống kê hết. Do vậy, cần tập trung nhân lực, kinh tế cho quy hoạch chi tiết, đề ra tiến độ cụ thể, đặc biệt chú trọng quy hoạch chi tiết ở khu vực các đô thị”, ông Hùng nói.

Một số chuyên gia cho rằng, công tác lập và quản lý quy hoạch ở khu vực đô thị trong cả nước còn nhiều yếu kém. Đáng lo ngại nhất là việc triển khai nhiệm vụ sau khi quy hoạch chung được phê duyệt rất trì trệ, không đáp ứng kịp yêu cầu quản lý. Điển hình nhất là trường hợp Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng ký duyệt ngày 26.7.2011. Đến nay đã gần 5 năm nhưng nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt. Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng nội đô chưa được ban hành. Điều này khiến doanh nghiệp, người dân mất nhiều thời gian thỏa thuận, phải chạy đủ mọi cửa xin cơ quan chức năng cho phép, đặc biệt khó khăn đối với công trình cao tầng. Từ cơ chế này dễ nảy sinh tiêu cực và để lại nhiều hậu quả khó khắc phục.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh kể: “Tôi đã từng nói chuyện với nhiều cán bộ ở phường, đa số nắm địa bàn rất chắc. Thậm chí, con cái nhà ai thường xuyên đi chơi đêm về muộn họ cũng nắm được. Chuyện tòa nhà cao tầng mọc lên sai phép mà cán bộ phường không biết là rất lạ. Những chuyện như vậy cần phải xử lý nghiêm, bộ máy của ta đủ cả cơ mà”.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng đô thị, gắn với các loại quy hoạch khác. Đây là điểm mấu chốt, vì quy hoạch xây dựng đặt nền móng những tài sản cố định, tồn tại cả trăm năm. Quy hoạch khác dựa vào để phát triển. Sau khi có quy hoạch cần phải kiểm soát xây dựng theo đúng quy hoạch, kế hoạch cụ thể để không bị phá vỡ.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên