Top

Cao ốc văn phòng rao bán hàng trăm tỉ đồng

Cập nhật 25/09/2020 09:46

Thị trường cho thuê văn phòng gặp nhiều khó khăn khi giá thuê đã giảm nhiều mà khách hàng vẫn trả mặt bằng.

Các tòa nhà văn phòng khá khó khăn để tìm khách thuê. Ảnh: QUANG HUY

Sau khi nhiều chủ nhà phố mặt tiền, khách sạn rao bán tài sản vì kinh doanh khó khăn thì nay đến lượt chủ các tòa nhà văn phòng.

Rao bán tòa nhà trăm tỉ vì ế khách

Thời gian gần đây, các tòa nhà văn phòng có vị trí trung tâm TP.HCM được rao bán ngày càng nhiều với mức giá hàng trăm tỉ đồng.

Mới đây, một tòa nhà 10 tầng, diện tích gần 350 m2, mặt tiền đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 được đăng bán với giá hơn 180 tỉ đồng. Ông Vỹ, nhân viên môi giới, cho biết tòa nhà nằm trên đường hai chiều, lề đường rộng có thể đậu ô tô, vị trí đắc địa trung tâm TP, khu vực tập trung dân cư đông đúc. Trước đây, khi lượng khách thuê kín các lầu thì chủ tòa nhà thu về khoảng 500 triệu đồng/tháng.

“Chủ nhân rao bán một phần do khách trả lại mặt bằng nhiều. Mấy tháng nay lượng khách thuê chỉ đạt khoảng 30%. Ngoài ra, chủ tòa nhà phải trả nợ ngân hàng nên không duy trì được” - ông Vỹ nói.

Không chỉ có những tòa nhà trăm tỉ đồng mà còn khá nhiều cao ốc được rao bán với giá gần ngàn tỉ đồng. Trên một trang giao dịch bất động sản có tiếng, một tòa nhà 15 tầng với hơn 5.000 m2 sàn ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 đã được bán với mức giá lên tới 970 tỉ đồng. Cũng trên con đường này góc hai mặt tiền, một cao ốc 13 tầng được rao bán với giá 1.000 tỉ đồng.

Theo khảo sát của Công ty bất động sản CBRE Việt Nam, phần lớn yêu cầu đơn vị này nhận được trong quý II là di dời văn phòng, chiếm đến 72% tổng số yêu cầu thuê từ khách hàng. Trong đó, có một số khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A (cao cấp) xuống phân khúc hạng B (trung cấp), thậm chí thấp hơn. Diễn biến này khác xa với cách đây 7-8 tháng, thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện, khi đó giá thuê văn phòng tại các TP lớn vẫn còn neo cao và tỉ lệ trống không quá 7%.

Ông Nguyễn Đức Lâm, đại diện một đơn vị kinh doanh cao ốc văn phòng hạng A tại trung tâm TP.HCM, cho biết lượng khách thuê mới giảm 50% dù đơn vị đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ giá từ sáu tháng đến một năm.

Theo ông Lâm, khách thuê tòa nhà chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh hưởng của dịch khiến một số doanh nghiệp chuyển qua làm việc online, tiết kiệm chi phí; một số khác tạm ngừng hoạt động do dịch.

“Các công ty thuê mặt bằng sẽ chuyển sang thuê những nơi có chi phí thấp hơn. Thậm chí, họ dịch chuyển ra các quận xa trung tâm hoặc chuyển qua thuê căn hộ, nhà phố. Vì vậy, những tòa nhà ế khách sẽ thua lỗ, cộng thêm áp lực về các món nợ buộc họ phải rao bán, điều này hoàn toàn bình thường” - ông Lâm phân tích.

Nhà đầu tư ngoại quan tâm

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Công ty TNHH Savills Việt Nam, cho biết ngành bán lẻ, khách sạn, cho thuê văn phòng là những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề khi kinh tế khó khăn. Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm đáng kể lượng khách quốc tế, nhất là khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Tương tự với lĩnh vực bán lẻ, văn phòng, dịch gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các ngành thương mại dịch vụ vì sức tiêu dùng giảm.

Theo Savills Việt Nam, hiện chủ các cao ốc cho thuê văn phòng đã giảm giá thuê trung bình 10%-20% theo quý và khách thuê được gia tăng thời hạn miễn phí dịch vụ. Đây là những động thái chưa từng có tiền lệ. Trong khi đó, theo CBRE, tính riêng phân khúc các tòa nhà hạng A giá thuê giảm khoảng 4,9% trong khi diện tích trống lớn dần. CBRE dự báo đến cuối năm 2020, giá thuê văn phòng hạng A và B có thể giảm thêm 8%-10% và tỉ lệ trống văn phòng trên toàn thị trường có thể sẽ tăng lên.

Theo ông Khương, chủ các tòa nhà đang chịu thiệt hại khi không có khách thuê, bị trả mặt bằng thuê hoặc phải giảm doanh thu cho thuê. Các tòa nhà phải rao bán chủ yếu do chủ nhân có năng lực tài chính hạn chế, hoạt động trong các lĩnh vực bị thiệt hại nặng như khách sạn, bán lẻ, văn phòng… Ngoài ra, họ sử dụng đòn bẩy tài chính cao nên khi kinh doanh kém thì không chịu nổi gánh nặng nợ.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều chủ đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm thị trường tốt. Họ đang cùng với các nhà đầu tư ngoại hợp thành lực lượng đi tìm kiếm dự án trên thị trường.

“Nhóm các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm đến bất động sản Việt. Họ hướng tới cao ốc văn phòng, khách sạn và khu dân cư, trải dài trên cả ba miền, tập trung nhiều nhất vào Hà Nội và TP.HCM. Dự kiến trong quý III hoặc quý IV sẽ có những thương vụ hợp tác với nhà đầu tư ngoại thành công đầu tiên” - ông Khương nói.

Chuyên gia bất động sản Lê Bá Chí Nhân cũng cho rằng chủ những tòa nhà văn phòng buộc phải bán tài sản của mình là do nợ vay ngân hàng, đầu tư thua lỗ ở các lĩnh vực khác. Khác với khách sạn, các tòa nhà văn phòng được rao bán với giá hơn trăm tỉ đồng hay vài trăm tỉ đồng cơ hội có khách mua lại hoặc hợp tác kinh doanh vẫn nhiều hơn vì rủi ro ít hơn.

Xu hướng trả mặt bằng thuê văn phòng gia tăng

Theo CBRE Việt Nam, trong quý II, các tòa nhà mới ở TP.HCM đã chủ động điều chỉnh giảm giá thuê 1-3 USD/m2/tháng so với giá chào từ quý IV-2019 nhằm thu hút khách thuê mới.

CBRE dự báo sẽ còn nhiều giao dịch thu hẹp hoặc di dời mặt bằng văn phòng vào những tháng cuối năm 2020. Điều này đòi hỏi các chủ nhà cần có biện pháp linh hoạt trong ngắn và dài hạn, thay đổi để phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách thuê.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO