Top

1 triệu tỷ đồng đầu tư giao thông đường bộ đến 2020

Cập nhật 22/10/2008 11:00

Chia sẻ của ông Mai Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giao thông đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) về quy hoạch tổng thể cho giao thông đường bộ ở Việt Nam đến năm 2020.

Thách thức đến từ xe hơi


* Xin ông cho biết thực trạng hệ thống và đầu tư đường bộ trong thời gian qua?

Hệ thống đường bộ Việt Nam được hình thành và phát triển trong nhiều thập kỷ, đến nay, có 256.000 km đường bộ thuộc nhiều loại khác nhau trong đó có trên 200.000 km đường đô thị. Mật độ đường bộ các loại theo khu vực của đất nước là 0,78km/km2, theo dân số là 3,09km/1.000 dân.

Con số này cao so với các nước trong khu vực, nếu chỉ so sánh về đường quốc lộ và tỉnh lộ thì con số này là thấp. Điều kiện kỹ thuật đường xá nghèo nàn. Gần đây, chất lượng đường đã được cải thiện đáng kể. Riêng chỉ đường quốc lộ và tỉnh lộ, chiều dài các đường bê tông, rải nhựa đã chiếm khoảng 80%. Hàng năm, khoảng 1.000 km đường và trên 1.400m cầu được xây dựng và sửa chữa.

Tuy nhiên, phát triển đường vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng xe cộ, điều này làm ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Quy hoạch tổng thể và đầu tư vẫn chưa đáp ứng được năng lực vận tải của các đường bộ.

Thời gian qua đã có sự tăng trưởng nhanh các phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe máy và xe ô tô con (4-5 chỗ). Đến năm 2007, số xe ôtô là hơn 1,1 triệu xe buýt chở khách, 243.000 ôtô con, xe máy khoảng 21 triệu xe. Tốc độ tăng trưởng bình quân của xe máy khoảng 16%/năm, xe con khoảng 10%/năm.

Trong những năm tới, xe ôtô con có xu hướng tăng mạnh hơn. Điều này sẽ là thách thức lớn cho phát triển và quản lý đường bộ.

Dự đoán đến 2020, sẽ có khoảng 2,8-3 triệu ôtô các loại và khoảng 33-36 triệu xe máy. Khi GDP/đầu người đạt 1.500-3.000 USD thì số xe hơi sẽ còn tăng mạnh nữa.

Về vận tải, hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ chiếm khoảng 52% trong tổng số hàng hóa vận chuyển bằng các hình thức khác. Đây là một tỷ lệ phi lý đối với một nước như Việt Nam có lợi thế về vận tải biển và đường thủy nội địa.

Tăng trưởng khối lượng hàng hóa giai đoạn 2001-2006 là 9%/năm, chỉ riêng năm 2007, hàng hóa được vận chuyển đạt 260 triệu tấn tương đương 13,8 tỷ km. Khối lượng hành khách được vận chuyển bằng đường bộ tăng nhanh hơn rất nhiều so với các loại hình vận tải khác và đã đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Về mặt đầu tư cho giao thông đường bộ. Với sự quan tâm của Chính phủ, đầu tư cho phát triển giao thông đường bộ đến nay là đáng kể. Riêng đối với các đường cao tốc quốc gia, đầu tư đã đạt khoảng 11.000 tỷ đồng/năm chiếm khoảng 84% tổng chi phí cho ngành giao thông. Nguồn đầu tư chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ bản nhằm sửa chữa, cải thiện và xây dựng cầu đường.

Ưu tiên đầu tư cho đường bộ


* Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông đường bộ trong thời gian tới như thế nào?

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển đường bộ đến 2010 với tầm nhìn 2020. Do hình thành một số nhân tố mới nên quy hoạch này cần được xem xét lại.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tổng thể vận tải Việt Nam (bao gồm cả đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không và vận tải hàng hải) đến 2020 tầm nhìn 2030 qua dự án Vtranns2, được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản.

Quy hoạch tổng thể trên sẽ hoàn thành và áp dụng vào trước cuối năm 2009. Với các đường nông thôn, mục tiêu là 95% đường được lát đá, đường bê tông, nhựa khoảng 50%, 100% các đường có thể sử dụng cho hai mùa, tất cả các đường cấp huyện đạt đường loại V-VI, đường thôn xã đạt loại A và B đường nông thôn.

Tổng giá trị dự tính cho đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ đến 2020 khoảng 1 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 66.000 tỷ đồng. Riêng cho đường cao tốc khoảng 22.000 tỷ đồng/năm. Hiện nay đầu tư cho đường cao tốc quốc gia đạt 10.045 tỷ đồng/năm.

* Vậy bài toán về nguồn vốn sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ trình kiến nghị với Chính phủ để thiết lập quỹ bảo dưỡng và quản lý để huy động các quỹ cần thiết cho bảo dưỡng. Các quỹ được huy động chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, quỹ tín dụng phát triển nhà nước, quỹ từ các doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ.

Các quỹ được huy động từ nhân dân và doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ.

Hiện nay, Chính phủ đã có chính sách ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường bộ, đặc biệt đầu tư cho đường cao tốc theo hình thức BOT, BT, BTO, BLT...

Do đó, quy hoạch tổng thể phát triển đường bộ cần được xem xét lại và khối lượng vận tải vẫn chưa cao. Khung chính sách về thu phí hoàn trả đầu tư vẫn chưa được cải thiện, do vậy, số các dự án và tổng chi phí đầu tư từ phương thức đầu tư khác nhau vẫn chưa nhiều.

Trong những năm tới, như tôi đã nói những hạn chế sẽ dần dần được khắc phục và thị trường đầu tư cho giao thông đường bộ nói riêng và cơ sở hạ tầng giao thông nói chung sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy