Bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, tòa nhà Quốc hội cũng luôn là biểu tượng quyền lực của nhân dân và là sự hiện diện không gian văn hoá mỗi quốc gia. Trân trọng giới thiệu vài nét lịch sử và kiến trúc của một số toà nhà Quốc hội nổi tiếng thế giới.
Toà nhà Quốc hội Pháp - Palais Bourbon
Palais Bourbon là tên thường gọi của tòa nhà Quốc hội Pháp, nằm ở tả ngạn sông Seine, đầu cầu Concorde.
Palais Bourbon được dành tặng cho Louise Françoise de Bourbon, quận chúa Nantes, con gái riêng nhưng được hợp pháp hóa của Louis XIV và phu nhân Madame de Montespan.
Công việc xây dựng cung điện được bắt đầu vào năm 1722. Nhiều kiến trúc sư lần lượt thực hiện công trình này. Đầu tiên là Giardini và Pierre Cailleteau, nhưng cả hai kiến trúc sư này đều chết khi việc xây dựng chưa hoàn thành.
Kế đến có kiến trúc sư Jean Aubert và Jacques V Gabriel tiếp tục xây dựng. Công trình được hoàn thành vào năm 1728. Năm 1764, Louis V Joseph, hoàng tử thứ 8 của Condé trưởng thành và được sở hữu cung điện này.
Sau Cách mạng Pháp, năm 1791, công trình này bị tịch thu và trở thành tài sản quốc gia. Đến năm 1795, tòa nhà được dành cho Quốc hội lập pháp Hội đồng Năm trăm. Lần tu sửa này được thực hiện bởi kiến trúc sư Pierre - François - Léonard Fontaine.
Palais Bourbon.
Sau đó, Napoléon, với bản thiết kế của kiến trúc sư Bernard Poyet, đã cho sửa lại mặt phía Bắc của tòa nhà với hàng 12 cây cột theo phong cách Hy Lạp. Đối xứng Palais Bourbon là nhà thờ Madeleine kiến trúc tương tự với hàng 8 cây cột được xây ở bờ phải sông Seine. Phần mặt tiền công trình phía trên hàng cột là tác phẩm điêu khắc của Antoine Chaudet, miêu tả cảnh Napoléon trao cho cơ quan lập pháp các lá cờ chinh phục ở trận Austerlitz.
Sau khi dòng họ Bourbon trở lại ngai vàng, phần phù điêu đó bị đập bỏ và thay bằng cảnh vua Louis XVIII ban hành hiến pháp cho nhân dân. Tác phẩm do nhà điêu khắc Evariste Fragonard thực hiện. Khi nền quân chủ Tháng bảy quay lại, phần mặt tiền cung điện đó được nhà điêu khắc Jean - Pierre Cortot làm lại và giữ tới hiện nay.
Từ năm 1879, nơi đây trở thành tòa nhà Quốc hội Cộng hòa Pháp. Ở cầu thang phía trước tòa nhà là bốn bức tượng Maximilien de Sully, Jean - Baptiste Colbert, Henri François d "Aguesseau và Michel de l" Hospital.
Toà nhà Quốc hội Anh: Cung điện Westminster
Cung điện Westminster .
Cung điện Westminster là nơi hai viện Quốc Hội Anh gặp nhau để trao đổi công việc. Cung điện nằm bên bờ bắc sông Thames, thành phố Westminster, London.
Cung điện này là một trong những tòa nhà Quốc hội lớn nhất thế giới. Tổng thể của công trình rất hài hòa với những tòa nhà đang tồn tại gồm có gần 1100 phòng, 100 bậc tam cấp và hành lang dài hơn 3km.
Cung điện được xây dựng từ thế kỷ 19, ban đầu là một địa điểm của Hoàng gia Anh nên không bao gồm mục đích sử dụng của hai viện Quốc hội. Đến năm 1965, quyền kiểm soát cung điện mới được chuyển giao sang cho Quốc hội.
Tháng 10 năm 1834, hầu hết các ngôi nhà trong tổng thể cung điện bị thiêu rụi bởi một trận hỏa hoạn lớn, chỉ có Westminster Hall, Jewel Tower ... là còn nguyên vẹn. Một ủy ban được lập ra để nghiên cứu việc xây dựng lại cung điện. Ủy ban này đã quyết định sẽ tái xây dựng lâu dài trên nền cũ và theo phong cách của Gothic hoặc Elizabethan.
Cuối cùng, họ đã quyết định không lựa chọn thiết kế theo trường phái tân cổ điển giống như Nhà trắng và Quốc hội Mỹ mà chọn phong cách Gothic. Mặc dù việc xây dựng được tiến hành trong suốt những năm 1860 nhưng vài thập kỉ sau mới hoàn tất.
Cung điện Westminter nhìn từ hướng khác.
Toàn cảnh bên ngoài cung điện gồm có những công trình bằng đá, các tòa tháp, vườn cây ...Tòa tháp cao nhất là Tháp Victoria (98m) tọa lạc ở phía tây nam cung điện. Đây là nơi lưu trữ nhiều tài liệu của Quốc hội, dưới tầng hầm còn có một lối đi vào cung điện. Đội danh dự sử dụng lối đi này khi cần phải tiến vào Lâu dài trong những buổi lễ chính thức.
Ngoài ra, trong quần thể còn có tháp Trung tâm và đặc biệt là Tháp đồng hồ - vẫn thường được biết đến với tên gọi Big Ben, cao 96m, mỗi mặt trong 4 mặt của tháp là một đồng hồ lớn. Quả chuông lớn nhất và nổi tiếng nhất là Big Ben rung lên mỗi tiếng, đó cũng là quả chuông nặng nhất ở Anh. Mặc dù tên gọi Big Ben là của quả chuông nhưng nó cũng được dùng làm tên cho cả tòa tháp.
Bao quanh cung điện là những khu vườn nhỏ. Vườn tháp Victoria được mở cửa như một công viên nằm dọc theo bờ sông, phía nam cung điện.
Kiến trúc bên trong của cung điện bao gồm 4 tầng, tầng trệt có các văn phòng, nhà ăn và quầy bar. Tầng 2 gồm có các phòng chính như phòng họp lớn, hành lang, thư viện. Hai tầng trên cùng được sử dụng để làm phòng cho các ủy ban và quan chức. Cung điện dành cho hai viện Quốc hội. Thượng viện nằm ở phần phía nam, các hàng ghế cũng như đồ đạc trong đó đều được sơn đỏ. Đây là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng, quan trọng nhất là Phiên khai mạc Quốc hội diễn ra đầu mỗi kỳ hoạt động hàng năm.
Hạ viện nằm ở phía bắc cung điện. Trái ngược với Nhà của thượng viện, các hàng ghế và đồ đạc ở đây lại được sơn xanh. Dân biểu không được ngồi ở hàng ghế xanh vì đó là dành riêng cho các thành viên Hạ viện. Quốc hội các nước nằm trong Khối thịnh vượng chung cũng học theo cách phân định màu giống như vậy: Thượng viện sơn đỏ và Hạ viện sơn xanh.
Cơ sở vật chất dành cho các thành viên Quốc hội trong cung điện Westminster không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Có tới 19 quầy bar và nhà hàng, phần lớn đều nằm ngay sát cạnh các tòa nhà. Có khu vực dành cho tập bắn súng và phòng tập, thậm chí có cả tiệm uốn tóc. Nhà Quốc hội cũng có cửa hàng bán đồ lưu niệm,trưng bày nhiều đồ dùng trong Hạ viện và cả Thượng viện.
Tòa nhà Quốc hội Đức
Toà nhà quốc hội Đức.
Năm 1871, sau khi lập ra đế chế Đức, Bismark đã quyết định cho xây dựng nhà Quốc hội. Uỷ ban xây dựng của Nghị viện đã cho tiến hành một cuộc thi sáng tác đã được tổ chức trong năm sau, với sự tham gia của các kĩ sư trên toàn thế giới.
Một góc nhìn trong tòa nhà Quốc hội Đức.
Tòa nhà được thiết kế theo “phong cách Đế chế” - kết hợp kiến trúc thời kỳ Phục Hưng Ý và trào lưu kiến trúc Hochbarock. Phong cách này cho đến nay vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn Kiến trúc nghệ thuật.
Công trình này được khánh thành vào năm 1894, đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử (bị đốt cháy năm 1933 và phá hủy nặng năm 1945).
Năm 1993, Đức lại tổ chức một cuộc thi nữa nhằm lựa chọn phương án cải tạo tối ưu cho nhà quốc hội. 3 phương án tối ưu nhất được tiếp tục đưa ra cho quốc hội, các nhà chính trị và chuyên môn bàn luận, sau đó được chính các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện lại. Cuối cùng, phương án của kiến trúc sư Norman Foster được lựa chọn để thực hiện.
Kiến trúc sư này đã cải tạo phòng họp lớn và các hệ thống khác trong tòa nhà theo quan điểm: "Chính phủ, các đảng phái phải hoạt động công khai dưới sự kiểm soát của dân".
Nội thất trong tòa nhà được trang trí theo xu hướng hiện đại. Mặt khác, các giá trị lịch sử khác cũng được phục chế một cách tinh xảo bởi các chuyên gia.
Theo Tuần Việt Nam
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: